Luật Đất đai cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật
EmailPrintAa
15:14 17/10/2022

Sáng ngày 1710/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến xây dựng pháp luật dự án Luật Đất đai( sửa đổi). Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện chủ trì hội nghị
Tham dụ có Phó Chủ UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần , đại diện các sở: Tài chính, Tư pháp, Công Thương, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ Huy quân sự tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Công an thành phố Hà Tĩnh và các huyện, thị,thành phố

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 07 dự án Luật, 03 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 07 dự án luật; tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong đó Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác, Dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại 03 kỳ họp.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thanh Điện đóng góp ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Thời gian qua, Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên công tác quản lý sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Trần Bình Thân, đề nghị cần có chế tài ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý đất đai; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế...; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh; tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh... kiến tạo động lực mới để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Cần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ các quy định của Luật Đất đai với các văn bản quy phạm pháp luật khác để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai

Đại biểu cho rằng cần có chế tài nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai; quy định rõ chế tài xử lý đối với nông - lâm trường sử dụng đất chưa hiệu quả; có căn cứ pháp lý cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện bồi thường GPMB được hiệu quả. Quản lý chặt chẽ hơn đối tượng được cấp quyền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá; có chính sách cấp quyền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá đối với hộ nghèo tại các phường/thị trấn; quy định về khung tiền sử dụng đất đối với việc chuyển mục đích trong hạn mức và ngoài hạn mức; mở rộng đối tượng cần được nhận đất trồng lúa; quy định thẩm quyền cấp đổi, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất về cấp xã...

Tại Điều 44 và Điều 58 dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm, theo hướng cho phép chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và bổ sung “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”. Quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau.

Tại hội nghị, đại biểu cũng đã cho ý kiến về các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất; cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất; ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức doanh nghiệp và người sử dụng đất khi thực hiện tích tụ, chuyển đổi tập trung ruộng đất...

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao các ý kiến chuyên sâu, tâm huyết của đại biểu. Đây là cơ sở quan trọng để Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận, xây dựng các dự án luật. Đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện các ý kiến, kiến nghị để trình các cấp, ngành hữu quan xem xét, giải quyết

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc