Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
10:10 05/10/2022

Đề nghị tỉnh chỉ đạo hằng năm cần có thông báo sớm về quy định giá lúa để người dân có cơ sở trong việc nộp các loại thuế, phí liên quan và tránh được tình trạng bị ép giá trong tiêu thụ sản phẩm; sớm bàn giao vaccine tiêm phòng gia súc để đảm bảo kịp thời cho cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện (Cử tri huyện Can Lộc, Đức Thọ).

Trả lời:

2.1. Về thông báo sớm về quy định giá lúa để người dân có cơ sở trong việc nộp các loại thuế, phí liên quan và tránh được tình trạng bị ép giá trong tiêu thụ sản phẩm:

Hằng năm, căn cứ Nghị định số 74/NĐ-CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, trên cơ sở đề nghị của Cục Thuế tỉnh, rà soát, tham mưu của Sở Tài chính, UBND tỉnh ban hành quy định giá thóc để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chỉnh khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định giá thóc năm 2022 theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

2.2. Sớm bàn giao vaccine tiêm phòng gia súc để đảm bảo kịp thời cho cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện:

- Từ đầu năm 2022, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 18/01/2022 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; trong đó quy định thời gian tiêm phòng 02 đợt chính trong năm (đợt 1: từ ngày 01/4/2022 đến ngày 30/5/2022 và đợt 2:từ ngày 01/9/2022 đến ngày 30/10/2022). Ngoài các đợt tiêm phòng chính, thường xuyên thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm thuộc diện phải tiêm phòng chưa được tiêm trong đợt tiêm chính và số hết thời gian miễn dịch.

Hiện nay, cơ bản các loại vắc xin tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện xã hội hóa, không hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện đã cung ứng đầy đủ, kịp thời phục vụ các địa phương tổ chức tiêm phòng theo Kế hoạch. Riêng vắc xin phòng bệnh lở mồm, long móng tiêm phòng cho đàn trâu, bò được hỗ trợ theo Văn bản số 259/UBND-NL ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về cơ chế kinh phí phục vụ tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng cho trâu, bò giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó: 60% kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, 40% kinh phí từ nguồn ngân sách huyện) . Từ đầu tháng 5 năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã giao 115.300 liều vắc xin cho các địa phương để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc theo Kế hoạch tiêm phòng năm 2022 của UBND tỉnh (trong đó: huyện Can Lộc đã nhận 11.525 liều, huyện Đức Thọ đã nhận 12.775 liều). Đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng đợt 1 theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

- Thời gian tới, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ phát triển sản xuất chăn nuôi trên địa bàn, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã :

+ Chỉ đạo các phòng, ban và UBND cấp xã thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò và vắc xin phòng bệnh Dại chó. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm (đối với đàn trâu, bò tiêm phòng vắc xin LMLM, THT; đàn lợn tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng; đàn gia cầm tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm) đợt 2 năm 2022 từ 01/9/2022 đến 30/10/2022 đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch số 26/KH-UBND của UBND tỉnh.

+ Hàng năm, chủ động rà soát, thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm, đăng ký các loại vắc xin gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, xây dựng kế hoạch cung ứng, mua sắm kịp thời, đảm bảo thời gian, tiến độ tiêm phòng theo Kế hoạch phê duyệt.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo quy định.

BBT

    Ý kiến bạn đọc