Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh thảo luận tại Tổ số 5 cùng các tỉnh: Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận.
Tổ thảo luận số 5 gồm ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Sơn La, Đắk Nông, Bình Thuận |
Tập trung phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia
Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Thống nhất cao tính cấp thiết xem xét, quyết định tại kỳ họp này.
Theo các đại biểu, Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ góp phần hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.
Các đại biểu đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tập trung phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Tiếp tục quan tâm hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển, các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Bùi Thị Quỳnh Thơ tham gia thảo luận tại Tổ |
Tham gia thảo luận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, Bùi Thị Quỳnh Thơ ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Báo cáo Quy hoạch cần chỉ ra các nội dung quy hoạch cụ thể, tránh việc định hướng chung chung, mà từ trước tới giờ các định hướng đó đã, đang và sẽ làm.
Đối với quy hoạch lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, đại biểu cho rằng định hướng nên tập trung xây dựng và phát triển một vài trung tâm tài chính như tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội; cơ cấu lại thị trường tài chính với các mục tiêu cụ thể, như thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán phải đạt ở quy mô nào, chất lượng ra sao; cơ sở hạ tầng tài chính phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính,…
Đối với giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận định nhiều cơ sở hiện rất thiếu đội ngũ giáo viên có kỹ năng nghề cao, cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc đào tạo các ngành kỹ thuật; một số ngành nặng nhọc, mang tính kỹ thuật cao ngày càng ít người đăng ký học, trong lúc nhu cầu xã hội lại rất cần nguồn nhân lực đối với những lĩnh vực này. Từ đó đại biểu cho rằng cần đánh giá sâu thực trạng đào tạo, nhu cầu nhân lực ở các lĩnh vực, ở các vùng miền. Đồng thời, đề nghị không nên dàn trải các ngành này ở tất cả các trường, các khu vực mà cần có quy hoạch chiến lược và chính sách đột phá tạo động lực phát triển các mô hình giáo dục nghề nghiệp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ĐBQH tỉnh Sơn La - Quàng Văn Hương |
Bên cạnh đó, đối với giáo dục đào tạo đại biểu đề xuất cần định hướng, giải pháp quy hoạch ngành tập trung vào đặc thù vùng, miền; đặc biệt, phân chia mô hình đào tạo theo định hướng đào tạo học thuật, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương để có chiến lược phát triển phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng tham gia đánh giá ưu nhược và tính khả thi của kịch bản phát triển thấp, cũng như kịch bản phát triển phấn đấu; đồng thời góp ý về kết cấu, bố cục của Quy hoạch.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đắk Nông - Nguyễn Trường Giang thảo luận |
Nghị quyết số 30/2021/QH15 - Sáng kiến lập pháp quan trọng đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Thảo luận tại tổ, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia khẳng định Nghị quyết 30/2021/QH15 là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội, được ban hành và triển khai kịp thời, chưa có tiền lệ trên cả phạm vi quốc tế, thể hiện sự ưu việt của chế độ cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta; tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện sự chung sức, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh - Trần Đình Gia |
Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Đình Gia cũng đã phân tích, đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế khi thực hiện từng cơ chế, chính sách như: Việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly có lúc, có nơi còn lúng túng, tổ chức thực hiện chưa nghiêm, chưa thống nhất; việc quản lý, điều trị người mắc COVID-19 thời gian đầu còn một số bất cập; một số cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực. Đại biểu cũng cho rằng ban hành chưa kịp thời các văn bản hướng dẫn để giải quyết vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ công tác phòng chống dịch; hiện chưa có phương án giải quyết dứt điểm việc thanh toán vay mượn vật tư y tế; chưa quy định chế độ, chính sách cho một số đối tượng tham gia phòng chống dịch; công tác thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh COVID-19 còn vướng mắc; thanh toán chế độ hỗ trợ các lực lượng chưa kịp thời; một số sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.
Tại buổi thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nhận định, việc thực hiện triển khai một số chính sách hỗ trợ còn chậm; việc tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế; công tác dự báo, dự kiến quy mô chính sách còn chưa sát thực tế. Thủ tục hành chính trong việc cấp và nhận các khoản hỗ trợ còn phức tạp, cứng nhắc. Các chính sách tài khóa, tiền tệ, miễn, giảm, hoãn thuế, phí, lệ phí, có chính sách còn cào bằng, một số doanh nghiệp còn khó khăn khi tiếp cận chính sách; có chính sách giải ngân còn thấp...
Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo hoàn thiện pháp luật để ứng phó với tình trạng tương tự trong tương lai; thống nhất cao việc thông qua Nghị quyết của Quốc hội để ghi nhận những thành quả của công tác phòng, chống dịch COVID-19; tạo cơ sở pháp lý, cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách để giải quyết các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Có phương án chỉ đạo xử lý số công nợ vật tư, hóa chất sinh phẩm đã vay mượn.
Tin mới cập nhật
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bế mạc kỳ họp thứ 8 ( 01/12)
- Bế mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ( 30/11)
- ĐBQH Hà Tĩnh - Nỗ lực làm tròn trọng trách người đại biểu dân cử ( 30/11)
- Đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 29/11)
- Ông Lê Quang Tùng làm Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ( 28/11)