Cần mở rộng phạm vi chia sẽ rủi ro cho nhà đầu tư
EmailPrintAa
14:44 11/11/2019

Tại phiên thảo luận tổ (sáng ngày 11/11) về dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Phó trưởng đoàn phụ trách đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn và đại biểu Lê Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có những ý kiến góp ý để hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của dự án Luật này.
Đại biểu Lê Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu

Trước hết, đại biểu thể hiện quan điểm đồng tình với việc xây dựng dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, để xây dựng công trình, dịch vụ công. Cần quy định thống nhất, bao trùm tích hợp các Luật có liên quan nhằm tạo một môi trường pháp lý ổn định, khẳng định sự quan tâm, cam kết của phía Nhà nước khi thực hiện dự án PPP, qua đó tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư tổ chức tài chính khi đầu tư các dự án PPP quy mô lớn, dài hạn và tiềm ẩn rủi ro trong tương lai.

Tiếp theo, đại biểu đề nghị cần làm rõ về thành phần, cách thức, cơ chế hoạt động của hội đồng thẩm định cũng như việc kiểm toán giá trị của tài sản công, không chỉ kiểm toán vào tài sản vốn nhà nước đầu tư mà phải dựa trên toàn bộ giá trị của tài sản.

Phó trưởng đoàn phụ trách đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - Nguyễn Văn Sơn phát biểu

Đồng thời, đại biểu nhất cao với quy định trong dự thảo quy mô đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên đối với các dự án PPP. Theo đó quy định một hạn mức tối thiểu để đầu tư PPP là cần thiết, có cơ sở pháp lý rõ ràng để thu hút các nguồn từ các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. Các dự án có quy mô nhỏ hơn hạn mức này có thể lựa chọn các phương thức khác với thủ tục đơn giản (xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư tư nhân...). Theo đại biểu cần quy định rõ việc chia sẻ rủi ro của nhà nước đối với tư nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng chủ thể thực hiện hợp đồng PPP phía tư nhân là “Doanh nghiệp dự án PPP”. Đây là một hình thái doanh nghiệp đặc thù, được thành lập để thực hiện mục đích duy nhất là triển khai dự án PPP, nên doanh nghiệp này không được “tự do” kinh doanh các ngành nghề khác theo pháp luật doanh nghiệp (Điều 39 dự thảo Luật). Luật Doanh nghiệp (Điều 3) cũng quy định: Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó. Nên dự thảo quy định Doanh nghiệp dự án PPP chỉ được thành lập để thực hiện mục đích duy nhất là thực hiện dự án PPP là phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, Phó trưởng đoàn cho rằng việc quy định thẩm quyền quyết định thẩm quyền tại địa phương về chủ trương đầu tư dự án PPP chỉ bao gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà không bao gồm cấp Hội đồng nhân dân như vậy là không phù hợp, cần có cơ quan cơ chế giám sát, thẩm định nguồn vốn, phương thức đầu tư .

Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu về dự thảo luật này.

Thứ nhất, đại biểu phân tích đây không phải là hình thức đầu tư mới nhất ở Việt Nam, đã quy định tại nhiều các văn bản và các luật liên quan khác cũng điều chỉnh hình thức đầu này: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản nhà nước, Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Trên nền tảng này, nhiều dự án đầu tư dưới hình thức này để xây dựng các công trính chủ yếu dưới dạng BOT, BT, BTO. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa minh bạch mà tờ trình và các báo cáo thẩm tra đã nêu. Đại biểu tán thành về việc cần thiết xây dựng đạo luật, trên cơ sở pháp điển hóa các quy định, nghị định hiên nay để đảm bảo minh bạch, hiệu quả, thu hút tối đa nguồn vốn tư nhân.

Thứ hai, theo đại biểu cần quan tâm và giải quyết được về mặt pháp lý các vấn đề về các giải pháp trong dự thảo phải giúp giảm thiểu được mức thấp nhất các rủi ro trong việc thực hiện các dự án PPP của nhà đầu tư.

Một trong những vấn đề phức tạp nhất của dự án công tư là rủi ro và chia sẻ rủi ro. Đây sẽ là rào cản pháp lý lớn nhất thu hút nhà đầu tư theo hình thức PPP mà dự thảo luật cần xử lý được vấn đề này. Theo đánh giá của OECD đối với khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam ở mức rủi ro cao (mức 5) chỉ đứng trước CamPuChia (mức 6), Lào (mức 7) trong khi đó Singapore mức 0, Brunei mức 2..

Dự thảo có một số quy định liên quan về giải pháp để giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện dự án PPP của nhà đầu tư tại Điều 76 và Điều 77. Tuy nhiên, các bảo đảm chia sẽ rủi ro tại 2 Điều này chưa thực sự đầy đủ và chặt chẽ. Nhiều rủi ro khác rất có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện dự án PPP nhất là các dự án có thời gian thực hiện có khi mười, hai mươi, ba mươi năm, về nguyên tắc không có quy định hồi tố. Vì vậy các rủi ro về thay đổi chính sách, sẽ làm tăng chi phí thực hiện, giảm lợi ích của nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị cần tính toán để mở rộng phạm vi chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, tạo được sự yên tâm, thu hút hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đồng thời, việc bổ sung chia sẻ rủi ro trong dự thảo mới có cơ sở cho việc Chính Phủ hướng dẫn chi tiết việc thi hành.

Cuối cùng về hình thức, phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự thảo quy định 03 hình thức: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu.Tại điểm b, c khoản 1 Điều 31 dự thảo quy định các dự án liên quan đến dự án Quốc phòng- An Ninh rất khó bóc tách để lựa chọn đấu thầu hạn chế hay là chỉ định thầu. Đã là dự án Quốc phòng - An Ninh, dự án thuộc bí mật nhà nước có áp dụng hình thức đầu tư PPP không  ? Mục tiêu của dự án PPP là thu hút vốn đầu tư tư nhân đối với dự án đáng lẽ nhà nước phải đầu tư trong khi đó bí mật nhà nước là lĩnh vực nhà nước nên bỏ vốn đầu tư.

Phạm Nghĩa - Trần Nhung

    Ý kiến bạn đọc