Cân nhắc xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh
EmailPrintAa
16:43 20/11/2019

Chiều nay 20/11/2019, Quốc hội tiếp tục phiên làm việc của mình với nội dung thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), với 24 lượt ý kiến của các ĐBQH các tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) đã có nhiều góp ý quan trọng.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thảo luận về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

Về Hộ kinh doanh: Đại biểu đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, hộ kinh doanh có phạm vi lớn, đề nghị đánh giá tác động, cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh đảm bảo khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật. Đại biểu cho rằng hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu Hộ kinh doanh với quy mô và vốn kinh doanh thường nhỏ. Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, tờ trình của Chính phủ cũng thể hiện rằng hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Vậy có nên đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp không?

Lý do đưa “Hộ kinh doanh” vào Luật theo Tờ trình số 533 của Chính phủ là vì Nghị định 78/2015/NĐ-CP có thể hiện một số khiếm khuyết như hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động…  Tuy nhiên tại Chương VII quy định về Hộ kinh doanh mới dừng ở khái niệm hộ kinh doanh, đăng kí hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thu hồi đăng kí hộ kinh doanh giấy chứng nhận chưa phản ánh các nội dung tương đối quan trọng khác về thay đổi nội dung đăng ký Hộ kinh doanh, nội dung cấp lại giấy chứng nhận đăng ký Hộ kinh doanh; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước đối với Hộ kinh doanh.

Còn nếu lý do đưa hộ kinh doanh vào luật để sau đó chuyển sang doanh nghiệp có cần thiết không khi mà việc chuyển đổi vẫn phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 của Luật như doanh nghiệp mới bắt đầu thành lập khác?

Để minh chứng điều nay, Đại biểu đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn sâu đối với các chủ hộ kinh doanh với 02 câu hỏi cơ bản: Hoạt động kinh doanh của hộ có vướng mắc hay bất cập gì không? Có muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp không? Hầu như nhận được câu trả lời là không. Nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh lên doanh nghiệp nhằm “né” nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp, các hộ kinh doanh được nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh cũng có nguyện vọng làm ăn lớn, mở rộng quy mô, kinh doanh chuyên nghiệp nhưng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng quản trị trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thiếu tự tin, chấp nhận “nằm im” để kinh doanh an toàn. Một số doanh nghiệp cũng cho rằng nếu như chuyển đổi, nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn; ví dụ như các loại giấy phép về môi trường, thanh tra, kiểm tra, thủ tục kê khai, quyết toán thuế, thuê thêm kế toán… sẽ làm gia tăng chi phí gián tiếp.

Về Khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN): Qua các thời kỳ khác nhau khái niệm DNNN được định nghĩa theo các khái niệm khác nhau (Luật DN 2003, 2005).  Luật DN (sửa đổi) lần này (2019) quy định DNNN là: a) Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ / b) Doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên”. (Điểm a,b Khoản 1 Điều 87a)

Việc sửa đổi khái niệm về DNNN lần này phù hợp với Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN” xác định: “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữu 100% vốn điều lệ hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối, tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”.

Qua đây, Đại biểu cho rằng việc thay đổi khái niệm hay nội dung tổ chức của một dự án luật còn dựa trên các quan điểm trong từng thời kỳ mà chưa chưa đảm các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 dẫn đến văn bản luật không nhất quán, lúng túng và việc triển khai trong thực tế có thể gặp phải nhiều vướng mắc như  tổ chức quản trị, tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa của DNNN…

Ngoài ra, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ còn đề nghị gộp điểm d vào điểm a Khoản 4, Điều 23 và sửa đổi Điểm g, Khoản 1, Điều 114: “Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty”. Quy định này theo Đại biểu đang tương đối chung chung, có thể gây khó khăn cho người góp vốn khi nhận lại một phần tài sản của mình.

Phạm Nghĩa - Hữu Quý

    Ý kiến bạn đọc