ĐBQH Hà Tĩnh: Nâng cao hiệu quả quản lý thuế thu nhập cá nhân và đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa
EmailPrintAa
20:44 30/05/2019

Chiều nay 30/5/2019, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh bày tỏ ấn tượng với kết quả điều hành nền kinh tế của Chính phủ trong năm vừa qua và nhất trí với các kết quả đạt được trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời tham gia sâu nội dung liên quan đến nâng cao hiệu quả quản lý thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh

phát biểu tại hội trường

Trước tiên , Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ ghi nhận tỷ trọng thuế TNCN hơn 1 thập kỷ qua đã tăng rất ấn tượng, từ mức 5.000 tỷ đồng năm 2006 (chiếm 2% trong tổng thu NSNN) lên mức 94.366 tỷ đồng năm 2018 (chiếm 6,9% tổng thu NSNN). Có được kết quả này, cơ quan thuế đã rất nỗ lực trong việc hạn chế thất thoát từ thuế TNCN như đã xây dựng hệ thống thông tin để kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nộp thuế hay việc tổ chức kê khai và khấu trừ thuế TNCN tại nguồn trước khi chi trả thu nhập cho người lao động góp phần đảm bảo mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời thuế TNCN cho nhà nước…

Tuy nhiên, quyết toán thuế TNCN năm 2017 và 2018 đều chưa đạt được dự toán đề ra và vẫn còn một số dư địa. Việc quản lý thuế TNCN của cơ quan thuế đã phải đổi mặt với nhiều thách thức và chưa kiểm soát được mọi nguồn thu nhập của từng cá nhân. Bên cạnh đó, nguồn hình thành TNCN quá đa dạng và phức tạp. Đối với những khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công thì cơ quan thuế có thể kiểm soát qua đơn vị trực tiếp chi trả thu nhập; nhưng đối với các khoản thu nhập của các hộ kinh doanh cá thể, các cá nhân hành nghề độc lập, thì cơ quan thuế khó có thể kiểm soát được một cách chính xác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên là nền kinh tế của chúng ta vẫn là một nền kinh tế ưa chuộng tiền mặt, rất nhiều các khoản TNCN đều được chi trả bằng tiền mặt, do đó, khó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát TNCN một cách chính xác và hiệu quả.

Thành viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc Hội cho rằng cần có các quy định chặt chẽ và quyết liệt hơn về thực hiện hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hướng tới việc quản lý thu nhập của cá nhân qua hệ thống ngân hàng là điều hết sức cần thiết để kiểm soát được TNCN, đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ tạo sự công bằng trong xã hội trong vấn đề đóng thuế cho ngân sách nhà nước.

Tiếp đến, sau khi trích dẫn “ số doanh nghiệp thành lập mới tăng 131,3 nghìn DN, nhưng có tới 107 nghìn DN (bằng 81,4% DN thành lập mới) chấm dứt hoạt động kinh doanh, giải thể, tạm ngừng kinh doanh” ( Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2018 của Chính phủ) , Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ băn khoăn Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua năm 2017 với rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, ưu đãi thuế nhưng tại sao lại có rất nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản như vậy? Nguyên nhân hay vướng mắc ở đâu?

Đại biểu cho rằng nên chăng cần có sự nhìn nhận lại và đánh giá tác động của chính sách sau 2 năm thực hiện. Trong đó, cần đánh giá được các chính sách hỗ trợ cho DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị? Mặc dù để các quy định của Luật DNNVV có thể triển khai trên thực tế, Chính phủ đã ban hành một số Nghị đinh hướng dẫn (34/2018/NĐ-CP, 38/2018/NĐ-CP, 39/2018/NĐ-CP,...). Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ theo những quy định mà Chính phủ ban hành. Doanh nghiệp vẫn phải tự lực, tự tìm nguồn hỗ trợ khác theo nhu cầu phát triển của mình. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có có vấn đề cung cấp thông tin, sự tuyên truyền, hướng dẫn và sự đồng hành của chính quyền các địa phương. Đặc biệt, tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành DN của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế cũng như sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi trở thành DN. Việc triển khai thực hiện cụ thể tại các địa phương cũng còn những bất cập như các chính sách hỗ trợ về lãi suất, hỗ trợ đất đai,… cũng chưa được triển khai một cách triệt để, đồng đều, doanh nghiệp khó tiếp cận những chính sách ưu đãi, hoặc nội dung hỗ trợ chưa thật sự hấp dẫn...

Để thực hiện mục tiêu của chính sách là hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để Luật đi được vào cuộc sống và thể hiện được hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm hơn trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hưởng đúng và đủ các chính sách pháp luật ban hành và đặc biệt là phải cùng đồng hành với các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đề ra, thực sự là Chính phủ: Kiến tạo, hành động và hiệu quả./.

Phạm Nghĩa - Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc