Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh thảo luận tại Hội trường Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
EmailPrintAa
17:47 26/10/2017

Sáng nay 26/10/ 2017, tham gia thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, Trưởng phòng quản lý khoa học Đại học Hà Tĩnh đã tham gia phát biểu.

Về cơ bản, đại biểu  nhất trí với bản giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, cụ thể là các quy định về sở hữu, góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu…; những sửa đổi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiến tới hoàn thành mục tiêu cơ cấu, thu xếp lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Đại biểu cho rằng: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu còn boăn khoăn và đề  xuất một số ý kiến như sau:

Dự thảo luật mục 1, điểm e có quy định phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đại biểu hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hàng, có sự lan tỏa và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy cần đặt  kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn; kèm theo đó có hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi hoặc chuyển giao, tránh phá sản. Việc phá sản NHTM sẽ gây tiềm ẩn các nguy cơ: (1) người gửi tiền cá nhân sẽ rút tiền ồ ạt tại nhiều TCTD, điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền của của cả hệ thống; (2) người gửi tiền có thể tụ tập, khiếu kiện đông người gây mất trật tự, an toàn xã hội. Hoặc nếu phá sản tổ chức tín dụng là bắt buộc phải thực hiện thì dự thảo luật cũng cần có quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản tại các TCTD ngoài các quy định tại mục 1e nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo báo cáo về số liệu nợ xấu tại kì họp thứ 3 QH đối với toàn bộ nền kinh tế thì cùng với dự thảo luật này được thông qua, dự báo sẽ có nhiều tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, cần quy định cụ thể về trách nhiệm đối với những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; các phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng cần được kiểm soát đặc biệt…

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu

 

- Điều 1, khoản 15, sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 75 về cơ cấu tổ chức đối với TCTD là hợp tác xã có quy định “Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị;Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, am hiểu về hoạt động ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải thuộc danh sách đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ chấp thuận danh sách dự kiến việc bầu, bổ nhiệm các chức danh quy định tại khoản này”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại có nhiều TCTD là hợp tác xã, ban điều hành được bầu bởi một số Hội trong xã, họ đại diện cho nhóm các Hội đó, và trình độ chuyên môn về quản lý, điều hành về ngân hàng không sâu, nhiều người chỉ được đạo tạo ở trình độ trung cấp hoặc tham gia một số khóa bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ ngân hàng. Do đó, nếu áp dụng tiêu chuẩn trình độ theo Luật có thể vướng với cơ chế dân bầu xã cử ở địa phương hoặc ngược lại, vì vậy ngân hàng nhà nước chi nhánh các địa phương cũng cần có sự nhất quán trong việc vận dụng quy định về tiêu chuẩn chức danh.

Tại Điều 1. Khoản 4, mục d: “Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn;mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn thành cổ đông thường và ngược lại”, cần xác định cụ thể cổ đông chiếm bao nhiêu % cổ phần thì được gọi là cổ đông lớn? Để tăng tính minh bạch, thì Dự thảo Luật nên đưa ra một số tiêu chí mang tính định lượng.

Luật sửa đổi, bổ sung cũng cần phải được làm rõ như quyền lợi của người gửi tiền trong các trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt, trách nhiệm của các bên liên quan trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại; tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc.

Quy định thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt giao Chính phủ là không phù hợp. Đề nghị nên tập trung ở Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, vì nếu giao cho cả Chính phủ thì quyết định đó có thể bị kéo dài phức tạp và sẽ không kịp xử lý để các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài các điều kiện được quy định tại Điều 148 về điều kiện của tổ chức tín dụng hỗ trợ, đề nghị nghị bổ sung thêm một số tiêu chí về chỉ tiêu chất lượng tín dụng. Để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. hiện tại, việc quy định mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang đặt ra những bất cập, mới chỉ chi trả  75 triệu đồng/người gửi; trong khi đó, thực tiễn một người có nhiều sổ gửi tiết kiệm với số tiền hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng.  Vì vậy, việc quy định về bảo hiểm tiền gửi không có ý nghĩa về mặt thực tiễn, do đó, đại biểu đề nghị NHNN cần có sự xem xét quy định lại vấn đề bảo hiểm tiền gửi phù hợp với bản chất về bảo hiểm là bảo đảm an toàn cho người tham gia hoạt động này.


    Ý kiến bạn đọc