Hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận 04 dự án luật trình kỳ họp thứ 3
EmailPrintAa
16:03 28/03/2022

Ngày 28-29/3/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPad của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Dự Hội nghị có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội Khóa XV sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp; với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội đàm, tọa đàm lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện về các dự án Luật, nhất là đối với các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau; chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo giải trình, tiếp thu để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Hội nghị

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của các kỳ họp Quốc hội. Tại hội nghị, các ĐBQH tập trung trao đổi một số nội dung cơ bản:

Đầu tiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được xem xét ban hành nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh – Trần Đình gia tham dự Hôi nghị bằng hình thức trực tuyến qua Ipad

Các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào: Việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; Việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật Sở hữu trí tuệ lần này; Về nội dung cụ thể hóa các nhóm vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu đối với giống cây trồng; Xử lý về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật này và các luật liên quan…

Toàn cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thứ hai , về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) : Thi đua, khen thưởng là động lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững và góp phần bảo vệ chế độ chính trị - xã hội. Công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quản lý quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng con người mới; lay động mạnh mẽ đến tình cảm, trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc,…

Các vị đại biểu Quốc hội sôi nổi thảo luận các dự án luật

Các đại biểu cho rằng, Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng. Các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận xem các chuyên mục, các điều khoản, quy định đã bảo đảm các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi đối với dự án luật này hay chưa, và một số nội dung cụ thể còn có ý kiến khác nhau như: Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; Tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; Về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng và những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;…

Thứ ba, Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa và xã hội, bảo đảm tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ pháp lý quốc tế về lĩnh vực điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế.

Tại Hội nghị này, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tập trung vào nội dung của dự án Luật này đã quán triệt các quan điểm, nguyên tắc và yêu cầu đặt ra khi sửa đổi toàn diện luật này hay không; cho ý kiến vào một số vấn đề và phương án quy định cụ thể các điều, khoản chi tiết, để hạn chế tối đa tình trạng luật khung và luật ống, nhất là về các nội dung như: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài; phương án thực hiện các sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước; việc phổ biến phim trên không gian mạng…

Thứ tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm được sửa đổi toàn diện, nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra, xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,... Các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục tập trung thảo luận sâu về một số vấn đề lớn như: việc tiếp tục hoàn thiện kết cấu của dự án Luật này, về các nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về loại hình bảo hiểm, các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm quy định; về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh, phối hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng; việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; về bảo hiểm vi mô.

Tại Hội nghị các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt, then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng tâm huyết, thảo luận tranh luận, thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc, lập luận thuyết phục, biện chứng về các vấn đề của dự thảo Luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Trong quá trình thảo luận, các đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng đã báo cáo trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trương Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc