Quốc hội thảo luận Tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
20:41 04/01/2022

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4/1/2022, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận Tổ đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh;  lãnh đạo sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài Chính, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, tại phiên thảo luận Tổ các đại biểu Quốc hội và đại biểu khách mời đã tập trung làm rõ một số nội dung góp ý sau:

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 đã được kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV thông qua với quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tuy nhiên trước những diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid trong thời gian qua, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, cấp bách nhằm cụ thể hóa Kết luận số 20-KL/TW, ngày 16/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ tư, triển khai các nghị quyết của Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chương trình sẽ tạo sự đột phá, lan tỏa lớn, với yêu cầu triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống thực tế hiện nay, đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo; đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, việc xây dựng Chương trình cần tiếp tục cụ thể hoá, đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có thứ tự ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai. Cần tính toán việc huy động nguồn lực nhất là các nguồn vay phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn không để xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Nhìn chung, giai đoạn vừa qua kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực; KTXH đã có bước phục hồi, được cộng đồng quốc tế đánh giá tốt.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã triển khai linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô, như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách lao động việc làm, chính sách an sinh xã hội và chính sách thương mại quốc tế,… Đặc biệt, chúng ta chứng kiến sự chung tay, đồng lòng và những hành động chia sẻ, lan toả và ủng hộ của người dân vào hoạt động phòng chống COVID-19, đó chính là nguồn sức mạnh to lớn để Việt Nam vững vàng hơn trong cuộc chiến này và sớm có bước phục hồi. Năm 2021, ước tính GDP tăng 2,58%, lạm phát dự kiến khoảng 1,9%, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng nước ta vẫn có mức tăng trưởng dương và giữ được lạm phát ở mức thấp.

Tuy vậy, chúng ta cần đánh giá một cách đầy đủ hơn những cơ hội và thách thức trong thời gian tới đó là:

Tăng trưởng kinh tế dự kiến phục hồi nhờ các đối tác thương mại lớn phục hồi khá vững, việc tích cực thúc đẩy tiêm chủng trong nước ( theo Bộ Y tế, đến 28/12/2021 gần 82%, dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều vắc xin ) giúp kiểm soát cơ bản dịch bệnh, tạo điều kiện mở cửa kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công. Mặc dù vậy, dịch bệnh khó lường với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ gây rủi ro, bất trắc đối với triển vọng tăng trưởng, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát trong nước gia tăng khi giá nguyên nhiên, vật liệu của thế giới vẫn ở mức cao (chi phí đẩy); kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng (cầu kéo), gây sức ép lên giá cả dẫn đến lạm phát.

Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế sau giãn cách xã hội kéo dài có thể phải đối mặt mới một số trở ngại như sự gián đoạn chuỗi cung ứng, về logistics, thiếu hụt lao động...Chúng ta đang phải đối mặt với sự gia tăng áp lực về trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế, cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.

Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Sức chống chịu của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo đó cần có các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ngay từ khâu xây dựng và hoạch định chính sách. Cả hai chính sách này phải tác động vào tổng cung và tổng cầu. Trong đó, cung là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp, cho người sử dụng lao động, giảm thuế, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cầu là kích cầu thị trường, kể cả thị trường dịch vụ hàng hóa và kích cầu đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các thành phần kinh tế.

Thứ hai: Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, đó là tiền đề để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Vì vậy, gói hỗ trợ tài khóa cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế. Trong năm 2021, chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, trong ngắn hạn, khi doanh nghiệp đang hết sức khó khăn thì việc hỗ trợ trực tiếp, kịp thời là hết sức cần thiết. Nhưng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, chính sách như: Chính sách hỗ trợ khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, logistics, hỗ trợ thị trường lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Thứ ba: Trong năm 2021, việc sử dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp như: Giảm lãi suất, kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho vay 0% cho các doanh nghiệp trả lương ngừng việc, khôi phục sản xuất, tái cấp vốn 0% đối với các tổ chức tín dụng cho vay đối với Vietnamairline đã phần nào hỗ trợ được khó khăn cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, trong dài hạn điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Điều này nếu không được nhận diện đầy đủ, kịp thời thì sẽ gây ra áp lực cho chính sách tín dụng và ảnh hưởng đến năng lực tài chính của tổ chức tín dụng vì vậy phải cần sự hỗ trợ kịp thời của chính sách Tài khóa để giảm bớt các rủi ro khi sử dụng chính sách tín dụng.

Thứ tư: Thời gian qua, cùng với giá xăng, các nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đều tăng mạnh (yếu tố chi phí đẩy) khiến cho các doanh nghiệp đã khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 lại càng khó khăn thêm. Vì vậy, cần có các chính sách tài khóa hỗ trợ bằng hình thức giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu đầu vào của một số ngành trọng yếu, để kích thích sản xuất.

Kết luận phiên thảo luận Tổ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hoàng Trung Dũng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chất lượng của các đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng phân tích, góp ý thêm một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết về quan điểm, mục tiêu, các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Xuân Hoa

    Ý kiến bạn đọc