Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
EmailPrintAa
08:33 28/05/2020

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV; ngày 27/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em theo hình thức trực tuyến. Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại đầu cầu Hà Tĩnh.

Cùng dự có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền; Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt và đại diện lãnh đạo MTTQ, Sở Giáo dục và đào tạo, Tỉnh Đoàn, Công An tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, đại diện Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ ngày 01/1/2015-30/6/2019. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Đoàn giám sát của Quốc hội. Đồng thời tham gia đóng góp thêm một số vấn đề sau đây:

Cùng với bức tranh khá đầy đủ trên nhiều góc nhìn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em mà đoàn giám sát đã nêu đầy đủ, nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu, đây thực sự là cách tiếp cận của Quốc hội phúc đáp những mong muốn, lo lắng của cử tri, nhân dân trong lĩnh vực này.

Về quan điểm của Đảng, Nhà nước chúng ta đã hết sức quan tâm, có hệ thống chủ trương của pháp luật đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở trong việc thực hiện pháp luật trẻ em nhưng thực tiễn còn nhiều vấn đề đặt ra được Báo cáo phân tích đầy đủ cũng như nguyên nhân của những giải pháp.

Vấn đề quan tâm đó là việc thực hiện và xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật và thực tiễn hiện nay. Thủ tướng CP đã liên tục có các chỉ thị (Chỉ thị số 11/CT-TTg, Chỉ thị số 18/CT-TTg, Chỉ thị số 14/CT-TTg), đến ngày 26/5, Thủ tướng CP tiếp tục có Chị thị số 23/CT-TTg để sớm tổ chức thực hiện, khắc phục những vấn đề Báo cáo giám sát đã chỉ ra. Trên cơ sở chỉ đạo của CP, các bộ ngành Trung ương cần vào cuộc đồng bộ và nhất là các địa phương, cần hết sức quan tâm đến việc thực hiện và chịu trách nhiệm tham mưu quản lý nhà nước về trẻ em.

Ở Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là đầu mối đã có cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em. Ở cấp Tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước đây có Phòng trẻ em nhưng hiện nay chỉ được 1-2 cán bộ làm công tác trẻ em thuộc phòng chuyên môn của Sở. Ở cấp Huyện được phân công 1 cán bộ phụ trách nhưng kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Ở cấp xã hầu như chỉ có trong danh mục công việc và trách nhiệm mà thôi.

Chúng ta đã có giải pháp về đề án công tác xã hội rất tốt nhưng mới dừng lại ở tập huấn, giới thiệu cộng tác viên xã hội và chưa được chính danh về tổ chức, quản lý và chính sách, các địa phương đang tinh giảm biên chế nên đề án này chưa được quan tâm.

Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Thứ nhất , thực ra Luật Trẻ em và các pháp luật có liên quan, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ đều quy định rất rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp nhưng thể chế nước ta vẫn cần vai trò của nhạc trưởng - Người trực tiếp tham mưu về quản lý nhà nước và người đứng đầu cơ quan các cấp. Đây là vấn đề cần hết sức quan tâm để kiến nghị sâu sát vào cuộc sống.

Thứ hai , nguồn kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em còn quá khiêm tốn, nguồn ngân sách của trung ương cũng chưa nhiều, nguồn kinh phí của tỉnh cũng hạn hẹp, hơn nữa nguồn kinh phí của cấp xã thì chưa có danh mục

Thứ ba , cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bổ sung đầy đủ hơn những hành vi xâm hại trẻ em trong các luật liên quan đến luật trẻ em và những diễn biến mới trên môi trường mạng nhất là luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính với đầy đủ các hành vi, tăng mức xử phạt và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả để công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em ngày càng tốt hơn, trẻ em được sống an toàn và thực sự đầu tư nguồn lực trẻ em để trẻ em luôn là mầm non của đất nước, tương lai của dân tộc, hạnh phúc của mọi gia đình.

Nhóm PV

    Ý kiến bạn đọc