Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:24 12/10/2023

Câu hỏi 7. Hiện nay công tác an toàn an ninh mạng còn yếu, xảy ra nhiều vụ việc lấy cắp dữ liệu cá nhân thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đề nghị tỉnh chỉ đạo tăng cường các giải pháp xử lý (Cử tri toàn tỉnh).

Trả lời:

Thời gian vừa qua, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Nguyên nhân lộ, lọt thông tin chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dân trên môi trường mạng, người dùng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ chưa tương xứng, đăng tải công khai thông tin cá nhân trên không gian mạng hoặc bị lộ dữ liệu cá nhân trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi thông tin. Một số trường hợp nhân viên quản lý dữ liệu của tổ chức, doanh nghiệp móc nối, chia sẻ trái phép thông tin với bên thứ ba. Từ việc lộ, lọt dữ liệu thông tin cá nhân đã tạo kẽ hở cho các đối tượng thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân nhằm thu lợi trái phép và sử dụng dữ liệu cá nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, rửa tiền... và sử dụng vào các hoạt động phạm tội khác. Tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, thông tin dữ liệu cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng của một số người dân được rao bán công khai ở các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook và được sử dụng vào một số hành vi vi phạm pháp luật khác. Qua xác minh, điều tra xác định các dữ liệu này được khai thác trên các nền tảng sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki; các tổ chức cho vay tài chính như Fe Credit, Home Credit; các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok... Chưa phát hiện các đối tượng trên địa bàn Hà Tĩnh có hành vi khai thác, mua bán dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba. Tuy nhiên, có tình trạng học sinh, sinh viên, người lao động… tại địa bàn Hà Tĩnh trực tiếp đến các ngân hàng trên địa bàn tỉnh mở nhiều tài khoản ngân hàng cùng lúc, sau đó bán cho các đối tượng ở Campuchia với giá từ 500.000 đồng đến 1.500.000 triệu đồng/01 tài khoản, các đối tượng này sử dụng các tài khoản trên để nhận tiền lừa đảo của các nạn nhân, tiền đánh bạc trực tuyến, rửa tiền… và sử dụng vào các hoạt động phạm tội khác.

Để xử lý tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh thường xuyên phối hợp các sở, ban ngành đánh giá thực trạng hệ thống thông tin quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu. Tổ chức rà quét phát hiện, cảnh báo khắc phục các lỗ hổng bảo mật. Kiểm tra việc chấp hành đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành phòng chống hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói chung và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng nói riêng. Kết hợp các hình thức tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp và cán bộ các cơ quan, đơn vị phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành 15 văn bản hướng dẫn, kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; cảnh báo lổ hổng bảo mật đối với 08 đơn vị; bóc gỡ 129.000 bài viết có nội dung xấu độc, quảng cáo đánh bài, sòng bạc trên 07 trang thông tin điện tử của cơ quan đơn vị (Sở Xây dựng, Hội Phụ nữ, Ban Quản lý kinh tế, UBND TX Kỳ Anh…); bóc gỡ hơn 500.000 bài viết (gần 40Gb dữ liệu) có nội dung xấu độc trên 08 trang thông tin điện tử của cơ quan đơn vị (UBND huyện Hương Khê, Công đoàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh). Từ năm 2022 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 03 vụ, 57 đối tượng về hành vi mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, thông tin khách hàng điện lực, Viettel Post diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đã khởi tố 03 vụ, 12 bị can, xử lý hành chính 45 đối tượng.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới:

- UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý dữ liệu cá nhân của khách hàng trên địa bàn như Ngân hàng, Bảo hiểm, Bưu điện, Trường học, Điện lực, Trung tâm hành chính công, Nhà mạng thuê bao di động... có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu của khách hàng; sử dụng thông tin, dữ liệu theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm hành vi mua bán trái phép dữ liệu, cung cấp trái phép dữ liệu cho bên thứ ba nhằm thu lợi bất chính.

- Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về nguy cơ, biện pháp phòng, chống thu thập, khai thác thông tin cá nhân; khuyến cáo người dân cần hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng internet, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như CMND/CCCD, số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà ở, thông tin gia đình... Trong trường hợp cần thiết phải cung cấp thông tin cá nhân thì xem xét tính hợp pháp của cơ quan, tổ chức mà mình cung cấp, yêu cầu cơ quan, tổ chức đó không được cung cấp thông tin cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người cung cấp thông tin.

- Yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá, hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, triển khai phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt.


    Ý kiến bạn đọc