Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri huyệnThạch Hà, Can Lộc).
EmailPrintAa
10:47 25/12/2018

Câu hỏi 1. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện và kéo dài tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu thầu đất đai, dự án, tác động đến tình hình an ninh trật tự và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý nghiêm

Trả lời:

1.1. Về tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi

Trong những năm gần đây, theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, thị trường tín dụng trên cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng có dấu hiệu “nở rộ”. Đáng nói, bên cạnh tín dụng chính thức, hoạt động tín dụng phi chính thức (hay còn gọi là “tín dụng đen”) đã phần nào bù đắp thiếu hụt về nhu cầu tài chính của xã hội do hệ thống tín dụng chính thức bị giới hạn bởi nhiều nguyên nhân; trong một chừng mực nào đó, “tín dụng đen” đã tích cực góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu vốn trong sản xuất kinh doanh của nhiều đối tượng thuộc các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” đã và đang thoát ly khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đổ vỡ.

Trên địa bàn tỉnh ta, tình trạng hoạt động “tín dụng đen” của các cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính và các cơ sở “trá hình” khác có nhiều biến tướng, phức tạp, khó lường, gây nhiều hệ lụy đến trật tự an toàn xã hội. Với tính chất địa bàn hoạt động rộng, có sự móc nối, liên kết giữa các đối tượng, dễ phát sinh các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật như giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cho vay lãi nặng, hủy hoại tài sản, tổ chức đánh bạc, các hành vi gây sức ép để đòi nợ trái pháp luật như đổ chất bẩn, chất thải, kéo đông người đến nhà gây áp lực, uy hiếp tinh thần... Trong năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ giết người (Đức Thọ, Kỳ Anh), 03 vụ gây rối trật tự công cộng (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh) cùng hàng chục vụ việc khác xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp địa bàn hoạt động, đòi nợ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế các tác động xấu từ “tín dụng đen”, trong đó giao trách nhiệm cho Công an tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch số 229/KH-CAT-PC02, ngày 23/11/2018 về phòng ngừa đấu tranh xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Kế hoạch số 222/KH-CAT-PV01, ngày 16/11/2018 về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT bảo vệ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019. Khẩn trương điều tra, khởi tố 02 vụ, 06 bị can về tội “Giết người”, 02 vụ, 20 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng” liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Chỉ đạo tổ chức đấu tranh chuyên án với tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, đồng loạt ra quân tiến hành rà soát, lên danh sách các cơ sở dịch vụ tài chính trên địa bàn toàn tỉnh; qua đó, ngày 22/11/2018, Công an tỉnh đã phát hiện, khám xét khẩn cấp 05 cơ sở hoạt động tài chính có dấu hiệu cho vay nặng lãi tại thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà, thu giữ gần 600 triệu đồng, 09 máy tính; bắt khẩn cấp 06 đối tượng và triệu tập 19 đối tượng có liên quan. Ngoài ra, ngày 29/11/2018, Công an thành phố Hà Tĩnh vừa khởi tố 01 vụ, 01 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Hiện đang tiếp tục mở rộng điều tra các vụ án trên.

Thời gian tới, để siết chặt kỷ cương pháp luật và trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn trên địa bàn thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, thực hiện tốt Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển tài chính số, ngân hàng số,...

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các hệ quả nguy hiểm của “tín dụng đen”, ngăn không cho xâm nhập, thao túng khu vực tài chính chính thức cũng như tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kỹ, đảm bảo đúng quy định việc cấp phép kinh doanh dịch vụ tài chính và các hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện về ANTT khác có liên quan đến hoạt động tài chính. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng khác tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở đã được cấp phép để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm hoặc thu hồi giấy phép theo quy định.

- Công an tỉnh tiếp tục tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Phối hợp VKSND, TAND sớm đưa ra xét xử công khai các vụ án điển hình liên quan “tín dụng đen” để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định của Nhà nước về vay và cho vay, về tác hại của “tín dụng đen”, ý thức trả nợ. Tuyên truyền nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn “mời chào”, giăng bẫy, ưu đãi của các gói dịch vụ tài chính “tín dụng đen”. Phát huy phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” đến tận cơ sở, xây dựng thêm các mô hình tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm,... chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động phát tán tờ rơi, áp-phích quảng cáo cho vay tài chính, giữ gìn nếp sống văn hóa khu dân cư.

1.2. Về tình trạng sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất, đấu thầu dự án, tác động đến tình hình ANTT và đời sống của người dân, doanh nghiệp

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản, Nghị định 62/2017/NĐ-CP, ngày 16/05/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản đã nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Chủ trương xã hội hóa được đẩy mạnh, vai trò quản lý của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục được tăng cường. Nhờ đó, hoạt động bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bán đấu giá quyền sử dụng đất có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Qua theo dõi, quy trình tổ chức thực hiện bán đấu giá đất, đa phần UBND các huyện đã lựa chọn các tổ chức bán đấu giá có uy tín, đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ đấu giá viên có kinh nghiệm, việc bán đấu giá tài sản thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục...

Tuy nhiên, công tác bán đấu giá tài sản, nhất là đấu giá đất còn bộc lộ nhiều hạn chế, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng tham gia để trục lợi. Mặt khác, tồn tại tình trạng “cò đất”, thông đồng, dìm giá, gây mất trật tự; đây là thực trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Tại Hà Tĩnh, vấn đề này còn tiềm ẩn, nhưng đã và đang dấy lên dư luận hiện nay.

Mới đây nhất là vụ việc lộn xộn trong quá trình đấu giá đất vào ngày 08/11/2018 tại UBND xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, do Công ty TNHH bán đấu giá tài sản số 1 Hà Tĩnh (trụ sở tại số 278 Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) tổ chức, đặt ra nghi vấn có hay không tình trạng sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất. Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc đấu giá tại huyện Lộc Hà. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Lộc Hà, Công ty TNHH bán đấu giá tài sản số 1 Hà Tĩnh cùng với cá các nhân đấu thầu có liên quan đã có buổi làm việc; khẳng định không có việc sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất như phản ánh của cử tri và báo chí.

Thời gian tới, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sử dụng “cò” và “xã hội đen” trong đấu giá đất, đấu thầu dự án, UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

- Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những nội dung của Luật Đấu giá tài sản và các văn vản, hướng dẫn liên quan. Tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ giám sát thực hiện việc bán đấu giá đất trên địa bàn nhằm giám sát quá trình đấu giá đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định về đấu giá tài sản. Trường hợp phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm theo quy định.

- Sở Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất cho UBND các huyện, thành phố, thị xã.

- Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự tại các buổi đấu giá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

- UBND các huyện, thành phố, thị xã phải lựa chọn các tổ chức bán đấu giá có uy tín, chuyên nghiệp để thực hiện việc bán đấu giá; kiên quyết không ký với các tổ chức bán đấu giá có nhiều sai phạm. Phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường giám sát, thực hiện các giải pháp nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, nhất là tình trạng đe dọa, chèn ép, cản trở khách hàng tham gia đấu giá.

VP

    Ý kiến bạn đọc