Nâng cao chất lượng thẩm tra trên lĩnh vực pháp chế của Ban pháp chế - HĐND huyện
EmailPrintAa
14:38 04/07/2018

Thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết được trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) là hoạt động nhằm xem xét, đánh giá về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau; là cơ sở giúp đại biểu HĐND có thêm thông tin, thấy được những vấn đề cần tập trung để thảo luận và quyết định, góp phần đảm bảo cho Nghị quyết của HĐND phát huy hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thời gian qua, công tác thẩm tra của Ban Pháp chế đã bám sát quy định của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015 và đạt được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở phân công của Thường trực HĐND, Ban Pháp chế chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát, đánh giá, làm việc với các phòng, ban, ngành và địa phương liên quan. Đồng thời, phân công từng thành viên tự nghiên cứu, đánh giá sâu đối với từng lĩnh vực được giao phụ trách để phát biểu, góp ý khi Ban tổ chức làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, góp ý của các thành viên, các Ban yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và chuyển dự thảo mới để thành viên các Ban, Thường trực HĐND tiếp tục xem xét, thống nhất trước khi xây dựng và ký ban hành các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp.

Cử tri Cẩm Xuyên phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện

 

Do thực hiện nghiêm túc trình tự các bước của công tác thẩm tra nên hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND ngày càng thực chất, hiệu quả; chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng cao, các báo cáo thẩm tra đã đánh giá, phân tích những mặt còn tồn tại, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể, được đa số Đại biểu tán thành, được cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan Tư pháp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ trước khi báo cáo tại kỳ họp HĐND, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, các quyết nghị được thông qua cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác thẩm tra, Ban thường gặp một số khó khăn như: Một số báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND gửi về Thường trực HĐND còn chậm so với luật định, thậm chí có văn bản gửi sát ngày diễn ra kỳ họp nên các thành viên Ban chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích sâu, phát hiện các vấn đề đã làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của Ban. Hầu hết các phòng, ban, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với Ban ngay từ đầu quá trình xây dựng đề án, tạo điều kiện để Ban nắm bắt, nghiên cứu và góp ý hoàn thiện đề án. Thành viên của Ban hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, điều kiện công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi thành viên khác nhau... ảnh hưởng đến hoạt động thẩm tra. Chất lượng một số báo cáo thẩm tra còn hạn chế, tính phản biện chưa cao...

Từ thực tế hoạt động thẩm tra trong thời gian qua, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, công tác chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của UBND và các ngành chức năng phải đúng quy định, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời việc gửi các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết cho Thường trực, các ban HĐND đảm bảo thời gian theo luật định (chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp). Riêng đối với các Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ chặt chẻ trình tự, thủ tục ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; như vậy có thời gian để các thành viên nghiên cứu, đối chiếu, phát hiện những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết, thể hiện được chính kiến của cơ quan thẩm tra và có những kiến nghị xác đáng, khả thi là cơ sở quan trọng, gợi mở cho các đại biểu HĐND thảo luận làm sáng tỏ các vấn đề trước khi quyết định.

Hai là, cơ quan chủ trì soạn thảo nên mời đại diện Ban tham gia nghiên cứu, góp ý trong quá trình soạn thảo, báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; để Ban có những thông tin cần thiết để xem xét, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị một cách đầy đủ, khách quan, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý nguyện của cử tri.

Ba là, việc thẩm tra của Ban phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo luật định (quy định tại Điều 111 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Điều 78 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp). Người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày; đại diện cơ quan, tổ chức được mời dự phiên họp phát biểu ý kiến; Ban của Hội đồng nhân dân thảo luận; người đứng đầu cơ quan có báo cáo trình bày, giải trình bổ sung; chủ tọa phiên họp dự kiến kết luận; ban của Hội đồng nhân dân biểu quyết khi xét thấy cần thiết.

Bốn là, trưởng ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên đối với từng nội dung thẩm tra. Các thành viên Ban phải dành thời gian tham gia nghiên cứu trước, chủ động thu thập các thông tin cần thiết, chuẩn bị ý kiến của mình sau khi nhận được báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Chủ trì thẩm tra phải chuẩn bị trước các nội dung gợi ý đưa ra các vấn đề để thành viên Ban, các đại biểu tham gia ý kiến tập trung vào vấn đề trọng tâm. Lãnh đạo Ban lựa chọn những vấn đề cần đánh giá sâu hoặc trong báo cáo nêu chủ yếu kết quả nhưng thực tế còn có nhiều vấn đề bất cập mà qua tiếp xúc cử tri, phản ánh của báo chí, dư luận xã hội quan tâm để tổ chức khảo sát. Hình thức khảo sát thông qua buổi làm việc hoặc tổ chức xuống nắm tình hình thực tế.  

Năm là, nội dung báo cáo thẩm tra của Ban phải thể hiện rõ được ý kiến của Ban về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế; sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi, dư luận xã hội... những vấn đề mà Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau; phải có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết cụ thể

 


    Ý kiến bạn đọc