Đổi mới quy trình, thủ tục hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH
EmailPrintAa
07:30 16/01/2012

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH thì cần nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp xúc cử tri; thảo luận, góp ý kiến, chỉnh lý dự án luật; hoạt động giám sát và một số hoạt động khác của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Trong đó, vấn đề đổi mới quy trình, thủ tục hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH là khâu đột phá then chốt. Cần xây dựng quy trình thống nhất cho các cuộc TXCT

Điều 97 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định: ĐBQH phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với QH và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của QH; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó. ĐBQH phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của QH.

Luật Tổ chức QH, Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND, Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11 của UBTVQH và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng đã quy định rõ nhiệm vụ của ĐBQH trong việc giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri. Tuy nhiên các quy định mới chỉ dừng ở việc quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH và ĐBQH chứ chưa quy định cụ thể về trình tự, cách thức tiến hành hoạt động tiếp xúc cử tri như thế nào. Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH và ĐBQH được tiến hành thuận lợi hơn kể từ khi có Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH – ĐCTUBTWMTTQVN. Tại văn bản này đã quy định và hướng dẫn cụ thể hơn về các hình thức TXCT, về trách nhiệm của ĐBQH trong tiếp xúc cử tri, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức như Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh, trách nhiệm của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh và Văn phòng phục vụ Đoàn ĐBQH trong việc giúp ĐBQH tiếp xúc cử tri; về trình tự, thủ tục tiến hành hội nghị tiếp xúc cử tri; việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát, đôn đốc việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Mặc dù vậy, hoạt động TXCT vẫn còn nhiều tồn tại. Thực tiễn cho thấy, số lượng, thời lượng TXCT tương đối ít và có sự khác nhau giữa các Đoàn. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng các cuộc TXCT trước hoặc sau kỳ họp. Vì thời gian có hạn nên các ý kiến của cử tri chỉ phản ánh vấn đề mang tính chung chung, đôi khi là những bức xúc, bất cập xảy ra ngay tại địa phương mình, cử tri không phản ánh được những ý kiến mang tầm vĩ mô.

Việc các Đoàn ĐBHQ phân công nhóm ĐBQH TXCT tại cùng một địa điểm cũng chưa hợp lý, làm mất đi tính chủ động của ĐBQH trong việc TXCT. Bên cạnh đó, các hoạt động TXCT thường được tổ chức tại các địa điểm trung tâm của tỉnh, quận (huyện), xã (phường). Đối với các tỉnh, thành phố việc đi lại dễ dàng thì vấn đề cử tri tham gia TXCT không đáng ngại nhưng đối với các tỉnh miền núi việc đi lại khó khăn thì để một cuộc TXCT bảo đảm đông đủ thành phần cử tri tham gia sẽ là một trở ngại lớn. Trong khi đó, theo Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH các cuộc TXCT được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các địa phương, nhưng thực thế thường chỉ có những cử tri có giấy mời mới đến tham dự và phát biểu tại hội nghị TXCT. Do vậy, thành phần tham dự tiếp xúc cử tri không đầy đủ, có cử tri kỳ tiếp xúc nào cũng tham dự và phát biểu, trong khi có cử tri không có giấy mời nên không đến tham dự dù rất muốn đóng góp ý kiến với QH.

Để nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH và ĐBQH, cần sớm ban hành quy chế về việc TXCT, trong đó xác định rõ cơ chế, nội dung, hình thức TXCT, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong tổ chức TXCT, tạo hành lang pháp lý để các cuộc TXCT đi vào thực chất, giảm tính hình thức, khắc phục tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”. Xây dựng văn bản pháp lý về thời lượng của một cuộc TXCT của ĐBQH và xây dựng một quy trình thống nhất cho các lần TXCT của ĐBQH. Đối với ĐBQH, cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, trong thời gian TXCT cần bố trí sắp xếp thời gian công tác để tham dự đầy đủ; cần quy định cụ thể và chế tài để ĐBQH không chuyên trách dành 1/3 thời gian cho hoạt động của QH; khi TXCT cần nghiên cứu kỹ tài liệu, pháp luật liên quan đến các ý kiến, kiến nghị, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cải tiến phương pháp báo cáo tại hội nghị. Đối với Đoàn ĐBQH phải nghiên cứu xây dựng  kế hoạch TXCT phù hợp với quy định của pháp luật, chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tạo điều kiện thuận lợi để ĐBQH thực hiện tốt nhiệm vụ TXCT. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức QH, Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH, Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH – ĐCTUBTWMTTQVN.

Nâng cao tính chủ động của Đoàn ĐBQH trong hoạt động xây dựng pháp luật

Điều 48 Luật Tổ chức QH quy định “ĐBQH có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước QH, dự án pháp lệnh ra trước UBTVQH theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”.

Tham gia xây dựng pháp luật là một hoạt động quan trọng của Đoàn ĐBQH và ĐBQH, song lại có rất ít quy phạm pháp luật quy định về hoạt động xây dựng pháp luật. Cũng giống như hoạt động TXCT, hoạt động XDPL của Đoàn ĐBQH và ĐBQH mới chỉ quy định chung chung, chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục lấy ý kiến về các dự án luật. Thực tế hiện nay các Đoàn ĐBQH vẫn song song thực hiện hai phương án là tự nghiên cứu và lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Điều 25 Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH quy định: “Đoàn ĐBQH có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia về các lĩnh vực liên quan dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp Đoàn để thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác do UBTVQH gửi đến”.

Các nội dung về thuê chuyên gia nghiên cứu dự án luật, ký hợp đồng và nghiệm thu kết quả nghiên cứu không được quy định tại các văn bản trên, song lại có đề cập tại Nghị quyết 702/2004/NQ – UBTVQH11 quy định tạm thời về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, đây chỉ là Nghị quyết hướng dẫn về tài chính, nên các nội dung trên đây cũng không được cụ thể hóa về quy trình, cơ chế.

Với số lượng các dự án luật gửi xin ý kiến ngày càng nhiều, dồn dập trong thời gian ngắn dẫn đến việc tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia đóng góp cho các dự án luật của Đoàn ĐBQH còn gặp khó khăn, bị động nhất định.

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH trong tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong công tác nay cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành theo hướng quy định cụ thể hơn về cơ chế, quy trình Đoàn ĐBQH tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị và chuyên gia đóng góp cho các dự án luật. Quy định và hướng dẫn rõ về việc Đoàn ĐBQH ký kết hợp đồng thuê chuyên gia nghiên cứu và nghiệm thu kết quả nghiên cứu, đóng góp cho dự án luật.

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là các dự án luật ngày càng nhiều nhưng thường được gửi về địa phương chậm lại yêu cầu báo cáo trong thời gian ngắn nên việc chuẩn bị nội dung lấy ý kiến còn bị động. Thực tế hoạt động của Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng cho thấy, mặc dù Đoàn đã chủ động xây dựng chương trình tổ chức lấy ý kiến nhưng vẫn còn tình trạng một số cuộc hội thảo được tổ chức dồn dập trong một thời gian ngắn, quỹ thời gian để các đại biểu nghiên cứu có tăng lên nhưng thực chất vẫn còn ít. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế công khai nội dung dự thảo luật sớm hơn, tạo điều kiện để ĐBQH, Đoàn ĐBQH tiếp cận với dự thảo và các tài liệu tham khảo liên quan đến dự án luật ngay từ đầu, từ đó mới có thể huy động các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học ở địa phương tham gia đóng góp ý kiến một cách sâu rộng, thiết thực và nâng cao hiệu quả, chất lượng ý kiến đóng góp.

Mặt khác, cần quan tâm thực hiện phương thức tổ chức lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học đối với các dự án luật. Có hướng dẫn về cơ chế cũng như sửa đổi các quy định liên quan, tạo điều kiện để Đoàn ĐBQH địa phương huy động các nhà khoa học tham gia vào việc đề xuất sáng kiến pháp luật và soạn thảo dự án luật. Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến của giới khoa học cần được công khai, giải trình rõ, có ý kiến phản hồi. Nhiều nhà khoa học phản ánh khi được mời tham gia đóng góp cho dự án luật, đã chuẩn bị bản góp ý rất công phu, tâm huyết nhưng sau đó không biết ý kiến của mình được tiếp thu đến đâu. Cơ chế phản hồi, thông tin nhằm thể hiện tính công khai, dân chủ trong việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, nâng cao trách nhiệm của cả cơ quan soạn thảo lẫn đối tượng góp ý kiến.

Nội dung giám sát càng cụ thể, hiệu quả càng thiết thực

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng, nhiều kiến nghị của Đoàn và đại biểu sau khi giám sát đã được các bộ, ngành và chính quyền của địa phương tiếp thu. Nội dung giám sát đã bám sát chương trình giám sát hàng năm của QH và tổ chức thêm được nhiều cuộc giám sát về các nội dung bức xúc từ tình hình thực tiễn địa phương. Các hoạt động giám sát đã tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, các vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội. Nhận thứác về hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH không ngừng được nâng lên, từ cơ quan tiến hành giám sát đến cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Các cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Các cơ quan chịu sự giám sát đã tích cực cộng tác, đáp ứng yêu cầu của cơ quan giám sát.

Tuy nhiên, từ thực tế các cuộc giám sát và các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động giám sát, vẫn còn một số hạn chế. Số cuộc giám sát tại cơ sở tuy có tăng lên nhưng nhìn chung vẫn chưa sâu; một số cuộc giám sát mới chỉ tiếp cận ở cơ quan, đơn vị nghe báo cáo, chưa nghiên cứu làm rõ từng vấn đề. Việc giám sát văn bản pháp luật cụ thể tại địa phương còn ít về số lượng và chưa cao về chất lượng. Việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để giúp thông tin cho Đoàn giám sát vẫn còn rất ít, chưa thành một chế độ phổ biến do cơ chế và những quy định về thẩm quyền tham vấn và chi bồi dưỡng cho chuyên gia chưa có. Đoàn ĐBQH thành phố mới chú trọng đến việc chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, công tác chất vấn giữa hai kỳ họp thực hiện không đều, không thường xuyên. Các cuộc giám sát thường tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH; ít ĐBQH thực hiện chương trình giám sát riêng theo quy định của Luật Hoạt động giám sát.

Mặt khác, nhiều kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố được các cơ quan hữu quan thừa nhận và có điều chỉnh nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời. Một số kiến nghị còn dàn trải, chưa thật sâu sắc và chỉ mới đưa ra khuyến nghị có tính chất chung. Việc đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát có được đặt ra, nhưng chỉ dừng ở mức theo dõi và phản ánh tình hình chung. Do đó chưa thể tổng hợp chính xác số lượng kiến nghị sau giám sát đã thực hiện. Trong giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, không tương xứng với công sức của Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã đầu tư cho công tác này. Tỷ lệ trả lời của các cơ quan hữu quan chưa cao, trong đó còn khá nhiều văn bản trả lời với nội dung chung chung, nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Đơn thư khiếu nại, tố cáo do ĐBQH chuyển và có ý kiến, kiến nghị chưa thật sự được các ngành hữu quan giải quyết thấu đáo. Việc tổ chức các cuộc giám sát các vụ khiếu nại tồn đọng lâu ngày tuy được xem là tích cực, nhưng không nhiều và có vụ cũng chưa dứt điểm.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên chủ yếu là do đa phần các ĐBQH kiêm nhiệm nên quỹ thời gian làm nhiệm vụ đại biểu còn hạn chế; số lượng ĐBQH tham gia từng cuộc giám sát không nhiều (khoảng từ 3 -4 đại biểu, có cuộc có từ 2 -3 đại biểu) và cũng có rất ít thời gian để nghiên cứu sâu về vấn đề tham gia giám sát. Đặc biệt, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức khá toàn diện về pháp luật, về lĩnh vực mà văn bản pháp luật đó điều chỉnh và cần có cơ chế huy động chuyên gia giúp việc, song với điều kiện và cơ chế hiện nay thì rất khó thực hiện được chức năng này. Việc phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của QH tổ chức giám sát trên địa bàn còn bị động và thiếu chặt chẽ, chậm nhận được kế hoạch chung của QH.  

Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiện nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có tình trạng xung đột pháp lý nên các cơ quan thực hiện bị lúng túng trong việc xử lý từng vụ việc. Tình trạng các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành luật thiếu ổn định, thay đổi khá nhanh trong một thời gian ngắn làm cho hoạt động giám sát khó thực hiện được việc xem xét, đánh giá một cách có hệ thống và có chất lượng. Trong khi đó, Luật Hoạt động giám sát của QH lại chưa quy định cụ thể về chế tài, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH. Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng Đoàn ĐBQH từng bước được cải thiện nhưng nhân sự còn thiếu, chất lượng nhìn chung cũng chưa tương xứng với yêu cầu. 

Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của QH, đặc biệt là các quy định về phương thức, cơ chế giám sát, tăng cường hiệu lực và chế tài, có biện pháp, cơ chế tăng cường hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH, sự phối hợp hoạt động giám sát giữa các Ủy ban của QH với các Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân địa phương để bảo đảm hoạt động giám sát đạt kết quả cao. Xây dựng nội dung chương trình giám sát phải bám sát đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Không ngừng cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề cử tri đang bức xúc, chú trọng hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở. Nội dung giám sát càng cụ thể, hiệu quả thu lại sẽ càng thiết thực. Cần có quy định cụ thể để tăng cường mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQVN thành phố là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, khắc phục chồng chéo trong giám sát. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát trong điều kiện bộ máy chuyên viên giúp việc của Văn phòng còn ít, năng lực còn hạn chế, thì cần xây dựng cơ chế cụ thể để mời thêm các chuyên gia có kiến thức, có năng lực tham gia tư vấn nội dung hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH là rất cần thiết. Kiến nghị sau giám sát cần cụ thể, tránh chung chung, chỉ ra được những mặt tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và yêu cầu khắc phục. Trong giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐBQH phải thể hiện rõ chính kiến của mình khi chuyển đơn thư của công dân đến cơ quan chức năng giải quyết. Vấn đề hậu giám sát có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thường xuyên xem xét tiến trình giải quyết sau giám sát là yêu cầu quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH, nên xem xét việc tách Văn phòng giúp việc hiện nay thành Văn phòng độc lập, thành lập lại Văn phòng Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


    Ý kiến bạn đọc