Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn
|
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới. Bộ trưởng nhấn mạnh: Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa nhiều đạo luật quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; tạo quyền chủ động trong các ngành sản xuất kinh doanh. Mặc dù vậy, khi triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế cũng phát sinh một số vướng mắc. Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để kịp thời sửa đổi.
Thời gian qua, Bộ đã phối hợp các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng 01 luật, sửa 10 luật. Trong đó, có 6 luật liên quan đến đầu tư sản xuất kinh doanh; xây dựng Đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cùng với quy định thực hiện để trình Quốc hội trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn
|
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về đánh giá kinh nghiệm quốc tế từ các gói hỗ trợ covid. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trên thế giới, các nước có quyết sách và quyết sách nhanh với gói hỗ trợ nhanh chưa từng có tiền lệ, bất chấp kỷ cương về tài chính; chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách; họ thống nhất và làm ngay nên nền kinh tế phục hồi nhanh. Theo đó, vừa qua Mỹ tăng nợ công thêm 21%, đẩy nợ công của Mỹ lên 133% GDP; Trung Quốc tăng 6,1% và tăng nợ công là 9,7%, tổng nợ công đến nay 66,8%; Thái Lan tăng 15,6% và nợ công tăng 9,4%, tổng nợ công đến nay 50,5%; Malaysia tăng 8,8% GDP và nợ công tăng thêm 8,2%, tổng nợ công 52,5%...
Về chính sách tài khóa các nước này đều tăng chi cho y tế và phòng chống dịch, trợ giúp xã hội và hộ gia đình thu nhập thấp bằng cách phát tiền mặt, hỗ trợ lương thực, tiền điện, chi trả các chính sách an sinh xã hội từ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, miễn giảm thuế phí doanh nghiệp… Đối với mục tiêu quan điểm, phạm vi đối tượng của chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế là hỗ trợ cả cung và cầu của nền kinh tế, thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm rồi kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm; Kế hoạch cơ cấu lại kinh tế đang thực hiện gắn kết với chương trình nêu trên. Tập trung vào các chính sách xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Mục tiêu tăng trưởng Đại hội Đảng lần thứ XIII cho giai đoạn 2021-2025 là 6,6-7%; cần phải kiên định mục tiêu để phấn đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Do đó, thời gian tới, ngoài việc phục hồi, phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128; Chính phủ sẽ có các giải pháp nhằm đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; ổn định kinh tế vĩ mô, nuôi dưỡng và củng cố các nguồn thu ngân sách Nhà nước, an toàn hệ thống tín dụng; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống người dân, người nghèo, đối tượng yếu thế; tránh giải thể, thâu tóm doanh nghiệp…
Đối với chất vấn nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp và các giải pháp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư biết nguyên nhân chủ yếu là: Công tác chuẩn bị dự án kém, chất lượng giải ngân không cao, chủ yếu mang tính hình thức; khi được chấp thuận chủ trương mới bắt đầu thực hiện thực tế và mất nhiều thời gian điều chỉnh. Luật Đất đai hiện nay còn một số vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng do nguồn gốc đất đai, giá đền bù; công tác đấu thầu, bố trí vốn đối ứng… Bên cạnh đó, năm 2021, do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên giãn cách xã hội nhiều, ảnh hưởng đến nguyên vật liệu, thiếu nhân công, chi phí nguyên vật liệu, logistics tăng cao…
Về giải pháp thời gian tới, cần thực hiện tốt hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 63 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trách nhiệm của người đứng đầu; làm tốt việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng; tiếp tục hoàn thiện các thể chế liên quan giải ngân vốn đầu tư.
Đối với nội dung chất vấn một số dự án ODA gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các dự án ODA, ngoài thực hiện theo luật trong nước còn phải thực hiện theo quy trình thủ tục của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian; lao động và chuyên gia khi vào nhập cảnh vào nước ta để thực hiện các công việc phải tiến hành cách ly, việc nhập khẩu máy móc cũng chậm… do đó dự án ODA trên cả nước thời gian qua giải ngân chậm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận rằng: Một số dự án ODA thực hiện không tốt gây lãng phí. Do đó, thời gian tới Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc; đối với các dự án không hiệu quả thì sẽ bàn với nhà tài trợ dừng dự án, tránh lãng phí.
|
Đối với các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu: Cần quy hoạch tốt, hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ; đất đai phải có sẵn; nguồn lực, môi trường đầu tư… cũng cần phải chú trọng để thu hút đầu tư. Đối với những địa phương, vùng miền có lợi thế phát triển nhanh, Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng trình Quốc hội nhằm ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nhanh hơn.
Trước khi kết thúc ngày chất vấn kỳ họp thứ 2, hàng loạt câu hỏi vẫn được các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như: Hiệu quả đầu tư công; kết quả hợp tác liên kết vùng, đầu tư kinh tế cửa khẩu, xử lý với những địa phương chậm giải ngân đầu tư công, tình trạng doanh nghiệp giải thể do những tác động của dịch bệnh...
Sáng ngày mai, 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)