Đúng 8 giờ sáng 11/11, Quốc hội bắt đầu ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ 2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Trong buổi sáng hôm nay, 11 ý kiến tranh luận với vị trưởng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ được đưa ra. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục giải trình. Cùng với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn |
"Ba tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến" có thích hợp với mọi doanh nghiệp hay không? Trả lời chất vấn câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Không áp dụng mô hình này cho mọi doanh nghiệp, mà chỉ nên triển khai với mô hình doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ. Và chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, bởi chi phí quá lớn, là gánh nặng với doanh nghiệp. Về các chương trình đào tạo nghề trong cuộc cách mạng 4.0, đã xác định, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: Chuyển đổi số có thể làm mất đi một số việc làm nhất định, tuy nhiên cũng đồng thời mở ra cơ hội mới. Bộ trưởng nhấn mạnh về các giải pháp để giúp người lao động và giáo dục nghề nghiệp thích ứng với tình hình mới. Sau phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đăng đàn, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá về phần chất vấn về nội dung Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Nội dung về Lao động, Thương binh và Xã hội là nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, bám sát nội dung, chủ đề đã đặt ra. Các câu chất vấn đúng và trúng, nội dung đi thẳng vào nội dung mà người lao động, người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm.
Bắt đầu nội dung chất vấn về Giáo dục và Đào tạo: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố phiên chất vấn chuyển sang nội dung về Giáo dục và Đào tạo. Nội dung chất vấn xoay quanh việc đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện COVID-19; công tác dạy và học trực tuyến, đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục học tập giữa học sinh các vùng miền, việc giảm tải chương trình học cho học sinh. Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị mà nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra tùy theo câu hỏi liên quan thì sẽ đề nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn giải trình về những vấn đề có liên quan.
Mở đầu nội dung trả lời chất vấn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn. Bộ trưởng đã dành 5 phút để phát biểu, điểm lại tình hình giáo dục và đào tạo thời gian qua, đặc biệt là những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tới tình hình giáo dục đào tạo thời gian qua.
ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) chất vấn |
Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum): Bộ chỉ đạo không sử dụng văn soạn mẫu trong môn ngữ văn, điều này rất quan trọng trong nâng cao chất lượng môn ngữ văn. Bộ trưởng chỉ đạo như thế nào trong việc nâng cao chất lượng môn ngữ văn? Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu): Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần chỉ đạo không dạy thêm và học thêm nhưng gần đây xuất hiện tình trạng bị ép học thêm trực tuyến. Cử tri kiến nghị Bộ cần thanh tra kiểm tra việc học thêm trực tuyến? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này? Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Thời gian qua ngành GD ĐT có sự thích ứng linh hoạt nhưng cũng bộc lộ vấn đề? Trong thời gian qua, Bộ trưởng thấy có vấn đề gì cần khắc phục những tồn tại trong thời gian tới? Thời gian tới dịch dự kiến diễn biến phức tạp nên việc dạy và học trực tuyến sẽ là giải pháp lâu dài, vậy Bộ có định hướng gì đảm bảo chất lượng và đảm bảo sức khỏe, tâm lý lâu dài?
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng: Các bộ sách giáo khoa có những bài thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục. Việc tích hợp môn học ở cấp THCS khiến 1 giáo viên dạy 3 môn. Sinh viên Đại học tốt nghiệp không có việc làm...
Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Về vấn đề giảng dạy môn Ngữ văn mà đại biểu Quốc hội nêu ra, đây là môn học bồi đắp tinh thần học tập, tình cảm, bồi đắp đạo đức làm người. Vì thế môn Ngữ văn rất được quan tâm. Bộ đã ngăn chặn việc dạy theo văn mẫu. Việc giáo viên đọc cho học sinh chép và học thuộc rất tai hại cho việc bồi đắp cảm xúc chân thành, chân thực của học sinh. Vì vậy, việc không dùng văn mẫu cho học sinh sẽ được ngành quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Về dạy thêm học thêm trong điều kiện bình thường đã cần phải ngăn chặn thì trong học trực tuyến giữa dịch bệnh rất đáng lên án. Thông tư 09 của Bộ đã quy định số giờ trong dạy và học trực tuyến cho các cấp, các lớp. Các trường thấy học sinh đi học quá số giờ quy định thì các Sở GD&ĐT địa phương cần tổ chức thanh tra xem có hiện tượng này hay không. Quan điểm của Bộ là tăng cường thanh tra để ngăn chặn, xử lý nghiêm việc này.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu (Vĩnh Long), có thể nói, sau ứng phó với dịch bệnh, có nhiều điều cần nhìn ra. Đó là sức mạnh, niềm tin được củng cố rất nhiều từ sự nhiệt thành, hi sinh của hàng triệu giáo viên và học sinh. Các thầy cô không kêu ca, không phàn nàn. Thầy cô đã sáng tạo vô cùng. Đó là sự tận tâm của đội ngũ nhà giáo. Bộ GD&ĐT đã rất cố gắng, các Cục, Vụ đã rất nỗ lực nhưng thời gian tới sẽ cần cố gắng hơn nữa. Về chế độ chính sách, qua đợt dịch bùng phát, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các chế độ chính sách. Trong việc ban hành chính sách, giữa yếu tố chung cả nước cần chú ý nhiều hơn đến tính đa dạng vùng miền, các văn bản hướng dẫn cần phù hợp với thực tế.
Đại biểu nêu câu hỏi: Việc dạy học trực tuyến ảnh hưởng đến việc dạy kỹ năng cho học sinh? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc học trực tuyến khó có thể thay thế cho học trực tiếp. Vì vậy, ngoài những kiến thức đã được trang bị, các em vẫn cần nhiều hơn nữa kỹ năng và cần có cả trách nhiệm của cha mẹ để các em quay trở lại trường học. Dịch bệnh còn kéo dài, các nhóm và đơn vị vùng miền tiếp tục dạy học trực tuyến, các địa phương cần chủ động, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị. Việc thanh tra, kiểm tra cũng sẽ tiếp tục tăng cường. Ngoài ra là hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe của học sinh. Bộ cũng đang xem xét để có những văn bản liên quan đến vấn đề này.
Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT ở đâu trước tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp? Trả lời câu chất vấn của đại biểu (Long An) về việc sinh viên ra trường, không có việc làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình: Tôi cho rằng: Vai trò của việc xác định giữa cung cầu, nhu cầu đào tạo, quan trọng sự kết nối nhà trường, doanh nghiệp; chất lượng đào tạo là khâu quan trọng. Số lượng, nếu việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực không chính xác, việc đào tạo không phù hợp với dự báo nguồn nhân lực sẽ dẫn đến lĩnh vực này thì thiếu, lĩnh vực khác thì thừa. Công tác dự báo rất quan trọng chất lượng đào tạo, tăng cường kỳ năng cho sinh viên. Tầm nhìn chiến lược, mạng lưới trường đại học, số lượng đào tạo cho phù hợp, nhóm giải pháp rất nhiều giải pháp triển khai mới làm được.
Về sách giáo khoa lớp 6 có một số ý kiến phản ánh về một số nội dung không phù hợp? Khi nhận được phản ánh và ngay sau khi có các ý kiến của Hội đồng chuyên môn, Bộ đã tiến hành ngay kịp thời việc điều chỉnh sửa chữa nội dung, trước khi được in và chuyển tới tay học sinh. Về lâu dài, Bộ đang tiến hành điều chỉnh quy trình các điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa thời gian tới có chất lượng ngày càng cao hơn.
Về việc dạy học tích hợp, một môn có 3 học phần, đang thực hiện ở lớp 6. Trong quá trình thiết kế hướng dẫn, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có hướng dẫn Nhà trường sắp xếp 3 giáo viên, dạy học theo logic của từng nội dung. Đơn vị nào sắp xếp theo logic theo chương trình, việc triển khai thuận lợi. Việc sắp xếp song song thì lúng túng. Bộ đã có hướng dẫn tập huấn với 9.000 giáo viên cốt cán. Chúng tôi tiếp tục tăng cường triển khai môn tích hợp thời gian tới.
Trả lời câu chất vấn của đại biểu (Long An) về việc học sinh lớp 1 học qua truyền hình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình: Hơn 2 tháng qua, Bộ Giáo dục phối hợp Đài truyền hình Việt Nam VTV đã sản xuất 166 bài giảng dành cho học sinh lớp 1 và lớp 2, đáp ứng được nhu cầu, mỗi môn học VTV có hàng triệu lượt học sinh vào xem. Khi quay lại trường, học sinh sẽ được hỗ trợ củng cố để đáp ứng được yêu cầu dạy học. Còn việc học trên truyền hình chỉ là giải pháp trước mắt.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) nêu vấn đề GD-ĐT qua mạng Internet đã thể hiện rõ vai trò, sự phát triển trong đại dịch. Thời gian tới, Bộ có giải pháp gì cho xây dựng, phát triển giáo dục, đào tạo qua mạng? Ngoài ra, trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông, các trường vùng sâu, vùng xa còn thiếu giáo viên ngoại ngữ và tin học, giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng cho biết, việc này được triển khai ở các cấp độ, quy mô, như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến. Đây là một tất yếu mà quá trình chuyển đổi số hướng đến. Bộ đang chuẩn bị cơ sở pháp lý, nền tảng, mô hình thí điểm…Về việc thiếu giáo viên ngoại ngữ, tin học, Bộ trưởng cũng cho rằng là một thực tế. Nhiều tỉnh đã có chính sách ưu đãi, thu hút nhưng vẫn đang còn là vấn đề khó khăn. Tới đây, Bộ sẽ tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường khu vực. Xây dựng các bài giảng để học sinh miền núi có thể học qua internet. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn, kiểm tra, giám sát…
ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) chất vấn |
Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) chất vấn 2 nội dung: Việc dạy và học trực tuyến là phù hợp nhưng chương trình thì không khác gì dạy trực tiếp, Bộ có điều chỉnh gì đối với việc này để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh? Những năm gần đây, nhiều học sinh tốt nghiệp có những em điểm trung bình 9 điểm/môn mà vẫn trượt đại học, có ý kiến cho rằng đây là do cơ chế các trường tự chủ trong tuyển sinh, theo Bộ trưởng ý kiến này có đúng không?
Với câu hỏi thứ nhất, Bộ trưởng cho biết: Trước tình hình dịch bệnh, Bộ đã 2 lần ban hành văn bản tinh giản chương trình phù hợp với tình hình dạy học. Năm học 2021 – 2022, Bộ tiếp tục rà soát và xác định chương trình học là chương trình có tính cốt lõi, chứ không phải rút gọn mỗi năm một ít. Điểm khác biệt của văn bản 4040 là chương trình mang tính cốt lõi. Đối với các địa phương dạy học trực tuyến bám theo chương trình cốt lõi đó, khi quay lại trường thì củng cố, mở rộng thêm. Vì vậy, giải pháp của chương trình trực tuyến chỉ cần dựa theo chương trình cốt lõi, chứ không phải bê nguyên xi chương trình vào học trực tuyến,
Đối với câu hỏi thứ hai liên quan tới nhiều em điểm thi tốt nghiệp THPT cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng cho biết, có 165 học sinh có điểm cao từ 27 điểm trở lên và cộng điểm ưu tiên nhưng không đỗ nguyện vọng nào. Đây là những học sinh chủ yếu đăng ký vào trường Công an và Quân đội, bên cạnh đó cũng có hiện tượng các trường đặt ra chỉ tiêu cao.Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tuyển sinh là quyền của các cơ sở giáo dục theo Luật nhưng quyền đó cũng phải nằm trong quy định.
Tranh luận với ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến các vấn đề dạy thêm học thêm không quản được thì cấm; lương giáo viên thấp nên phải dạy thêm để mưu sinh; giáo dục và đào tạo khối ngành học sức khỏe còn nhiều bất cập; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp thời gian qua, việc dạy thêm học thêm có hai hình thức. Việc dạy thêm học thêm ngoài giờ, ngoài trường, giáo viên không trực tiếp dạy thêm học sinh của mình trong trường... thì không thể cấm, vì đây thuộc phạm trù ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ các quy định liên quan đến vấn đề này. Còn việc giáo viên trực tiếp dạy thêm cho học sinh của mình trong trường thuộc về điều lệ, nguyên tắc quy định những điều cấm không được làm trong các nhà trường hiện nay. Các trường hợp vi phạm bị phát hiện đều bị xử lý nghiêm.
Liên quan đến những bất cập của khối ngành học sức khỏe, trước khi tổ chức dạy và học, điều kiện triển khai, thi đầu vào, tốt nghiệp, việc làm... Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tham khảo ý kiến của Bộ Y tế để triển khai. Những bất cập phát sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, trao đổi với Bộ Y tế để tháo gỡ, giải quyết thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) về vấn đề an toàn trường học, Bộ trưởng cho biết: Đây là vấn đề mà xã hội quan tâm và cũng là vấn đề lớn của ngành. Về mặt vĩ mô, Bộ đã xây dựng chương trình an toàn trường học; trong đó có nhiều nội dung sẽ được triển khai trong thời gian tới. Riêng về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên đã và đang được triển khai. Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của thầy, cô giáo, và sự phối hợp của địa phương, gia đình trong việc quản lý học sinh, sinh viên. Những vấn đề này tiếp tục được đề cập tại nhiều văn bản trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn |
Về sách Giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, quan trọng nhất là tăng cường chất lượng các bộ SGK trong thời gian tới. Để có được bộ SGK chất lượng cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến,... Bộ đang ráo riết sửa đổi thông tư 33 về quy định biên soạn, thẩm định SGK. Văn bản đang được lấy ý kiến. Trong đó chủ trương là không đợi các tác giả mang bản mẫu đến mới tổ chức thẩm định mà Bộ sẽ cùng các nhóm tác giả làm ngay từ đầu. Mặc dù xã hội hóa nhưng cần có sự giám sát, đồng hành của lực lượng quản lý. Chúng tôi sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn đối với đội ngũ biên soạn, các tổ chức cá nhân phải đăng ký trước và sẽ điều chỉnh tiêu chuẩn các thành viên hội đồng. Người biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào SGK và cùng chịu trách nhiệm.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) nêu vấn đề: Học sinh ở nhà đã lâu, mong muốn được đến trường an toàn; giải pháp trước nguy cơ bỏ học, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa... Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã trao đổi nội dung này trong phiên chất vấn trước đó. Về phía Bộ GD&ĐT, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành Giáo dục đã có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường an toàn. Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, vừa định hướng quan điểm. Đối với các đơn vị cấp thấp như xã/phường đang là vùng xanh nên mạnh dạn đưa các cháu trở lại trường.
Hiện nay, phần nhiều xử lý theo quy mô quận, huyện. Vì vậy, nếu xã phường thuộc các vùng xanh thì đưa các cháu tới lớp và không phải đợi cả huyện, quận. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc đến việc tiêm vắc xin cho học sinh; khi đưa học sinh trở lại trường cần có thêm các biện pháp hướng dẫn theo Nghị quyết.
Về nguy cơ bỏ học, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, cần có những giải pháp trong đó bao gồm tăng cường hệ thống cơ sở vật chất (các trường bán trú, nội trú, hỗ trợ bữa ăn trưa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên,...). Đặc biệt trẻ mầm non không thể đi xa, cần bố trí điểm trường gần địa bàn cư trú để huy động trẻ tới lớp.
Tin mới cập nhật
- Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Tĩnh ( 22/11)
- Hoạt động giám sát cần đổi mới, thực chất và hiệu quả ( 22/11)
- Đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước ( 22/11)
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)