Hồ Chí Minh với vấn đề nêu gương
EmailPrintAa
15:53 16/02/2019

Vấn đề nêu gương, noi gương đã trở thành truyền thống của Đảng ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Đảng luôn xem đây là một trong những nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Bác Hồ và các thế hệ cốt cán của Đảng là tấm gương để cho cán bộ, đảng viên noi theo và quy tụ, đoàn kết được toàn dân cùng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để giành thắng lợi.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, bằng chủ trương lớn, bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục; vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Ngày 7/6/2012 Ban Bí thư ra Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp. Ngày 25/10/2018 Ban Chấp hành Trung ương ra Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị, Quy định, Quy chế của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tương tiêu cực, như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền trục lợi… Cùng với các Quy định trên, Đảng ta đã có ba Chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/12/2006 của Bộ Chính trị (khóa X) về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”. Từ Cương lĩnh đến các Quy định, các Chỉ thị về thực hiện việc nêu gương, Đảng đã cụ thể hóa phương thức lãnh đạo bằng nêu gương, phù hợp với truyền thống và những kinh nghiệm được Đảng tổng kết trong công tác tư tưởng, trong các phong trào thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Người đã nêu ra việc học tập “người tốt, việc tốt”, Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng”; Người luôn căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính Người là tấm gương như thế trong suốt quá trình hoạt động cách mạng.

Bác Hồ dùng thử máy cấy tại trại thí nghiệm lúa thuộc Sở Nông lâm Hà Nội, năm 1960 (Ảnh: TL)

Nêu gương tốt là một nội dung hoạt động của người lãnh đạo. Muốn lôi kéo, thu hút được người dưới quyền theo mình thì người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong, giỏi về chuyên môn, quản lý mà còn phải có uy tín, phải nêu gương tốt về mọi mặt cho mọi người tin và đi theo. Như vậy nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo. Ở nước ta, với thể chế chính trị do Đảng cầm quyền thì người cán bộ, đảng viên của Đảng ở đâu, ở vị trí nào cũng là người lãnh đạo, nên họ phải là tấm gương cho nhân dân, quần chúng noi theo. Đảng viên giữ trách nhiệm càng cao, chức vụ càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy khi nói về trách nhiệm nêu gương các Quy định của Đảng đều nhấn mạnh “nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.

Cách mạng Việt Nam có được như ngày nay điều tự hào cho Đảng, cho dân tộc là có được lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người là một tấm gương sống về đạo đức cách mạng, về tư duy khoa học, về tư tưởng yêu nước, thương dân, là tinh hoa văn hóa của dân tộc và của nhân loại. Không chỉ trong cuộc sống đời thường, trong sinh hoạt mà đến những vấn đề cao cả của đất nước, của thời đại Hồ Chí Minh là tấm gương sáng thuyết phục được mọi người làm theo mình, loại bỏ được tư duy bảo thủ, trì trệ, giáo điều, thiển cận trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của dân tộc để hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đoàn kết toàn dân tộc dưới ngọn cờ độc lập, tự do.

Tấm gương của Hồ Chí Minh cũng như nội dung nêu gương mà Người nêu ra cho cán bộ, đảng viên rất cụ thể được thể hiện ở ba mối quan hệ: Với mình, với người và với công việc. Đối với mình , phải cần, kiệm, liêm, chính, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự soi, tự sửa, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, tự cao, tự đại, tự mãn… cũng như những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt. Đối với người , phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, thương yêu, độ lượng. Với đồng sự, đồng chí phải hết lòng giúp đỡ, khoan dung; nêu cao tự phê bình và phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ. Với quần chúng phải gần gũi, kính yêu, chăm lo đến lợi ích, nguyện vọng cũng như lắng nghe ý kiến để dân yêu, dân tin. Đối với công việc , phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, phải “chí công, vô tư”, nói đi đôi với làm, hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể, cho Nhân dân, không tham ô, vụ lợi, cơ hội, bè phái. Ngày nay đứng trước nhiều thời cơ và thách thức của sự biến động xã hội, ba yếu tố về nêu gương trong mối quan hệ biện chứng đó chứa đựng nhiều nội dung về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; nhất là trong tình trạng không ít cán bộ, đảng viên không những không nêu được gương mà còn suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống.

Một Đảng lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, trong mỗi bước chuyển tiếp của lịch sử, trong mỗi giai đoạn của cách mạng cần phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt thật thiết thực và phù hợp. Cần thể chế hóa vấn đề nêu gương để nêu gương, làm gương và noi gương trở thành vấn đề lý luận gắn với thực tiễn trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Cũng cần nhận thức được rằng các tấm gương tốt vẫn có chừng mực và luôn gắn với nhiệm vụ chính trị, với cuộc sống và sự biến đổi của thời gian qua từng giai đoạn lịch sử. Trong nêu gương tuyệt nhiên không có chuyện phô trương, tô hồng để được khen thưởng, để vụ lợi… rồi đề cao quá mức; hay định kiến, hẹp hòi, cố hữu. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Để giữ được vai trò lãnh đạo của Đảng, các tổ chức Đảng và đảng viên luôn phải tiên phong và gương mẫu. Đó không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn là một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức cần có của người đảng viên. Tự hào cho Đảng ta, dân tộc ta có được tấm gương sáng Hồ Chí Minh để noi theo, làm theo.

Tấm gương của Người vừa ở tầm cao của tư tưởng, của sự định hướng cách mạng, vừa lại rất gần gũi, thân thuộc với mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Tấm gương đó cùng với những giá trị “đạo đức, văn minh” của Đảng là tài sản vô giá mà mọi cán bộ, đảng viên luôn phải giữ gìn, phát huy để trong mọi giai đoạn cách mạng dù trong hoàn cảnh nào, cương vị gì và ở đâu cũng làm được như lời Bác Hồ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

TS. Đặng Duy Báu

    Ý kiến bạn đọc