Chú trọng động viên, khen thưởng những người lao động trực tiếp
EmailPrintAa
16:56 17/12/2021

Chiều ngày 16.12, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực miền Trung lấy ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Nguyễn Thị Kim Thúy, Đặng Thuần Phong và Nguyễn Hoàng Mai đồng chủ trì Hội thảo.

Dự trực tiếp có Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang, đại diện Đoàn ĐBQH, HĐND một số tỉnh Miền Trung, các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Một số điểm cầu tại các địa phương như Bình Thuận, Quảng Bình, Gia Lai… Đồng chí Trần Đình Gia, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự và phát biểu góp ý xây dựng Luật.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nghe Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo tóm tắt Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu góp ý tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV. Dự thảo Luật gồm có 98 điều, đã sửa đổi và điều chỉnh 94 điều, đặt tên điều luật đối với 98 điều. Trong đó, dự thảo Luật điều chỉnh lại 24 điều của Luật hiện hành thành 13 điều của dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất, bao quát; dự thảo Luật có 8 điều mới, trong đó có 3 điều mới hoàn toàn và 5 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành.

Trưởng Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo tóm tắt Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Các đại biểu tham gia góp ý dự thảo Luật tập trung vào các nội dung sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nguyên tắc, hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn, thẩm quyền khen thưởng; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng; giải pháp tăng tính thực chất và hiệu quả hoạt động của các cụm thi đua;…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Trần Đình Gia phát biểu góp ý dự thảo Luật

Tham gia góp ý cùng Hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Trần Đình Gia cho rằng việc sửa đổi luật lần này là cấp thiết, các nội dung dự thảo cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, các nội dung góp ý tại kỳ họp thứ 2 cơ bản đã được tiếp thu. Đồng thời đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục quan tâm có sự thống nhất, đồng bộ với phân cấp rõ ràng hơn trong khen thưởng giữa tổ chức chính trị xã hội với chính quyền, tránh chồng chéo về mức độ khen thưởng như hiện nay; đề nghị bổ sung nội dung và thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua của Quỹ Tín dụng nhân dân; việc bổ sung các hình thức khen thưởng chung đối với những người tham gia kháng chiến cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự đồng bộ, không chồng chéo các hình thức hiện tại; quy định rõ và tạo điều kiện bố trí nguồn lực Quỹ thi đua, khen thưởng cơ sở để triển khai hiệu quả.

Về việc danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu về việc đưa ra tiêu chuẩn “ Đạt chuẩn nông thôn mới ” là không phù hợp, thiếu tính ổn định của quy phạm pháp luật vì đến nay nhiều tỉnh, nhiều huyện đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đại biểu đề xuất nên xây dựng tiêu chí theo hướng đánh giá mức độ tăng trưởng, phát triển; đồng thời, cần làm rõ tiêu chuẩn “ dẫn đầu ” còn mang tính định tính, chưa rõ ràng về quy mô và phạm vi nên khó xác định. Ngoài ra, chưa thấy có sự liên kết giữa các danh hiệu “ Gia đình tiêu biểu ” với “thôn, làng tiêu biểu” và “ thôn, làng tiêu biểu ” với “Xã tiêu biểu” .

Đặc biệt, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đề nghị cần quan tâm ưu tiên khen thưởng đối với người lao động trực tiếp và những vùng khó khăn. Đại biểu đề nghị đối với khen thưởng cấp tỉnh nên hạ tiêu chuẩn để tăng tính khích lệ, động viên phù hợp với các đổi tượng ở cơ sở; nếu gián đoạn hoặc chưa được xem xét khen thưởng thì cần quy định điều kiện có sự cộng dồn tránh phải xây dựng lại thành tích. Đại biểu cho rằng việc quy định điều kiện Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có sáng kiến, giải pháp ứng dụng hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học là chưa hợp lý, vì trong thực tế, người trực tiếp lao động, sản xuất có rất nhiều ứng dụng, sáng tạo rất hiệu quả trong thực tiễn nhưng để viết nên sáng kiến, đề tài rồi trình phê duyệt được thì lại nằm ngoài khả năng của họ nên rất khó để khen thưởng đổi với người nông dân, công nhân. Như vậy, cần quy định cụ thể hơn thể hiện đúng nguyên tắc là Quan tâm, ưu tiên khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất”.

Kết thúc Hội thảo, lãnh đạo Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, đây sẽ là những luận cứ quan trọng để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc