Một số ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
EmailPrintAa
13:45 02/04/2015

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này đang được các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhân sỹ, trí thức quan tâm nghiên cứu, góp ý, với mong muốn Bộ luật Dân sự nước ta ngày càng hoàn thiện, phù hợp với Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua. Xin có một vài ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi như sau:

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này đã gọn hơn về số điều so với Bộ luật 2005, nhưng nội dung đầy đủ hơn, cô đọng hơn, súc tích hơn.

Tại Điều 3 đã bổ sung quy định mới về nghĩa vụ rất quan trọng của Nhà nước là: Thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là một nguyên tắc để bảo vệ quyền dân sự của mỗi cá nhân, tổ chức. Quy định như dự thảo Bộ luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân một cách kịp thời và triệt để hơn vì Tòa án có trách nhiệm xem xét, giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh; đồng thời nhằm triển khai thi hành một cách triệt để quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013, theo đó, “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”;

Trong quan hệ dân sự, dự thảo lần này đã xác lập mối quan hệ pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong giải quyết các quan hệ dân sự, đây là điểm mới rất quan trọng trong xây dựng một xã hội dân sự. Và đây là một nguyên tắc của Bộ luật.

Trong dự thảo lần này, phần các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự không thấy nguyên tắc hoà giải. Đề nghị không nên bỏ nguyên tắc hòa giải trong quan hệ dân sự, việc thỏa thuận, hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật thì cần được khuyến khích, nhất là trong giải quyết các quan hệ dân sự, đời sống dân sự.

Không nên tách điều 18 quy định về người thành niên và người chưa thành niên thành 2 điều là điều về người thành niên và điều về người chưa thành niên, vì nội dung người thành niên và người chưa thành niên có liên quan với nhau, là hai vế của một nội dung, do đó không nên tách ra thành 2 điều làm tăng số điều của Bộ luật.

Cần phải quy định trong dự thảo quy định về Người không có năng lực hành vi dân sự, vì phải phân biệt rõ người không có năng lực hành vi dân sự với người có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ.

Quy định về khai tử, tại điều 23 quy định là quyền được khai tử, khai tử không nên là quyền mà là nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người đã chết, đã chết rồi thì không thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Về Điều 32 Quyền ly hôn, nên quy định rõ là vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn, để bảo vệ quyền lợi người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân gia đình.

Cần tiếp tục quy định, không nên bỏ Điều 41 về Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình, các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Con, cháu chưa thành niên được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà; con, cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Quy định như vậy là để góp phần xây dựng gia đình Việt Nam vừa truyền thống vừa tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Không nên bỏ quy định này.

Về Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý. Chỉ trong trường hợp luật quy định thì việc khám xét chỗ ở của một người mới được thực hiện; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do luật quy định... Đồng thời, thì cần phải quy định bổ sung thêm một ý là việc khám xét chổ ở của một người chỉ được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo luật định, chứ không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân nào cũng được thực hiện việc khám, xét chổ ở người khác.

Không nên bỏ Điều 47 về Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, vì đây là một trong những quyền quan trọng của mỗi con người, liên quan đến đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt Nam chúng ta, cần phải được bảo vệ trong đời sống xã hội dân sự và quan hệ dân sự.

Không nên bỏ điều 49 về quyền lao động, vì đây cũng là quyền cơ bản của con người, cần được pháp luật dân sự bảo vệ.

Quy định về Người giám hộ của người chưa thành niên, nên chọn phương án 1 Người giám hộ cho người chưa thành niên ... do những người thân thích của người chưa thành niên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì người giám hộ được cử trong số những người thân thích hoặc cá nhân, pháp nhân khác và ưu tiên cho người sống cùng hoặc đang trực tiếp chăm sóc người cần được giám hộ nếu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người được giám hộ,  quy định như vậy là ngắn gọn và đầy đủ các phương án lựa chọn người giám hộ, không nên liệt kê quá cụ thể như phương án 2.

Điều 78 quy định về Pháp nhân công “Pháp nhân công là các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp”. Liệt kê như vậy là sẽ bỏ sót, ví dụ: quy định pháp nhân công là tổ chức chính trị, tức là Đảng CSVN, quy định như vậy là không sai, nhưng còn các Ban của Đảng ở cấp trung ương và cấp tỉnh thì có tư cách pháp nhân hay không !?! có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, các Ban của Đảng không phải là tổ chức chính trị mà là cơ quan tham mưu, giúp việc của tổ chức chính trị, nhưng lại có tư cách pháp nhân... Do vậy cần nên nghiên cứu lại để quy định về pháp nhân công mang tính tổng hợp hơn, không nên liệt kê, thống kê để tránh trường hợp bỏ sót.

Điều 169 quy định về Thời hiệu trong trường hợp pháp luật không quy định cụ thể thời hạn. Nên chọn theo phương án 1 là Trong trường hợp pháp luật không quy định cụ thể thời hạn thì thời hiệu áp dụng chung là 30 năm. Không nên không quy định thời hạn, thời hiệu đối với những trường hợp pháp luật không quy định;   mọi hành vi, mọi quan hệ dân sự cần có thời hiệu, thời hạn để tính thời gian xử lý, giải quyết. Quy định này là phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu, tạo công cụ pháp lý tốt hơn để Tòa án bảo vệ các quyền dân sự của tổ chức, cá nhân; đồng thời để hạn chế tình trạng Tòa án có thể từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc.

Quy định về Hình thức sở hữu, nên theo phương án 1 là Các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu của cá nhân, sở hữu của pháp nhân, sở hữu chung. Như vậy là đầy đủ các hình thức sở hữu. Điều 53 Hiến pháp đã quy định về sở hữu toàn dân và Bộ luật dân sự cần ghi nhận hình thức sở hữu toàn dân để phù hợp với Hiến pháp; đối tượng của sở hữu toàn dân là những tài sản có giá trị lớn, là tư liệu sản xuất chủ yếu của đất nước, do đó sở hữu toàn dân là hình thức sở hữu rất quan trọng cả về mặt kinh tế và chính trị. Vì vậy, sở hữu toàn dân cần được coi là một hình thức sở hữu độc lập và cần quy định hình thức sở hữu toàn dân trong Bộ luật dân sự.

Ngôn từ sử dụng trong dự thảo bộ luật vẫn còn sử dụng quá nhiều từ hán việt, nhiều từ, nhiều câu khó hiểu; thiết nghĩ ngôn từ trong Bộ luật dân sự cần phải dễ hiểu, gần gũi với đời sống nhân dân.

 

 

 

 

 

 


    Ý kiến bạn đọc