Sửa đổi để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong Luật Đấu giá tài sản
EmailPrintAa
15:07 03/10/2023

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, Chính phủ vừa có Tờ trình để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 6 tới. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Cần thiết sửa đổi để đảm tính thống nhất, khả thi, hiệu quả

Triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với hơn 1.200 đấu giá viên và gần 600 tổ chức đấu giá tài sản. Trình tự, thủ tục đấu giá thống nhất, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản. Số lượng cuộc đấu giá ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn (từ tháng 7/2017 đến tháng 12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng), qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: (1) Chất lượng của đội ngũ đấu giá viên vẫn còn một số hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề; (2) Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn phát sinh; chưa có quy định riêng đối với một số tài sản đặc thù; tình trạng tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ngày càng phức tạp; cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp còn vướng mắc; (3) Công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản còn hạn chế nhất định; cơ chế kiểm soát hoạt động đấu giá bộc lộ thiếu sót; một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá dẫn đến việc phát hiện, xử lý sai phạm chưa kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, đồng thời để thể chế hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết.

Quan điểm xây dựng dự án luật

Một là, tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò của hoạt động đấu giá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bám sát và cụ thể hóa 03 nội dung chính sách lớn trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đã được thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Hai là, kế thừa quan điểm Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định trình tự, thủ tục đấu giá, áp dụng thống nhất các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; các nội dung thuộc giai đoạn trước khi đấu giá (đưa tài sản ra đấu giá, xác định giá khởi điểm…) và sau khi đấu giá (phê duyệt kết quả, nộp tiền trúng đấu giá…) thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đồng thời có quy định riêng đối với một số loại tài sản đặc thù; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.

Ba là, tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản; phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

P hạm vi và bố cục sửa đổi Luật

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá, dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên các quy định của Luật Đấu giá tài sản đang còn phù hợp và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 01 Điều mới quy định về: (1) tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền, nghĩa vụ và việc thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; (2) trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, trong đó có tính đến một số loại tài sản đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; (3) trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình tổ chức đấu giá và hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Những điểm mới của dự thảo Luật

Dự thảo Luật bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và các nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá.

Thứ nhất, về đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản

Để tạo điều kiện và thu hút người tốt nghiệp đại học tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đấu giá, góp phần thúc đẩy và phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như:

- Bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo 03 năm mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá nhằm tháo gỡ rào cản trong việc tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá, đảm bảo khả thi, phù hợp với thực tiễn (tương tự các chức danh bổ trợ tư pháp khác).

- Bỏ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều phải qua khóa đào tạo nghề để được trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với tính chất hành nghề đấu giá tài sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (Luật Đấu giá tài sản hiện hành quy định miễn đào tạo nghề đối với một số đối tượng như luật sư, công chứng viên, thẩm phán, kiểm sát viên…); bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng đối với đấu giá viên nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận đấu giá viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên (tương tự các chức danh bổ trợ tư pháp khác).

- Sửa đổi, bổ sung quyền của tổ chức đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bán đấu giá tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức theo hướng chuyên nghiệp; bổ sung quy định về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản về địa chỉ trụ sở, Trưởng chi nhánh... để điều chỉnh đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn, đảm bảo tính ổn định, liên tục của doanh nghiệp.

- Bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá và bỏ thủ tục cấp Thẻ đấu giá viên đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục đấu giá

Một số quy định nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch, khắc phục vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là đối với một số tài sản đặc thù, hạn chế các tiêu cực phát sinh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tính khả thi, hiệu quả của việc đấu giá tài sản, cụ thể như:

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính của Quy chế cuộc đấu giá, chẳng hạn như quy định thời gian bắt đầu và kết thúc việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước, bước giá, việc trả giá, phiếu trả hợp lệ, không hợp lệ, thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, chẳng hạn như niêm yết tại trụ sở, nơi cư trú của người có tài sản, thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; thời gian, địa điểm, cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đảm bảo đồng bộ với việc nộp tiền đặt trước, công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia đấu giá.

- Bổ sung một số quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tài sản thi hành án như thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá dài hơn so với tài sản thông thường; cách thức xác định tiền đặt trước trong trường hợp giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền hoặc theo số lượng khối tài sản và giá khởi điểm cao nhất; việc người có tài sản đấu giá xét duyệt yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá; việc dừng, hủy bỏ việc tổ chức đấu giá trong một số trường hợp; bổ sung Điều mới quy định về điều hành cuộc đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để đảm bảo phù hợp với thông lệ của các nước trên thế giới. Quy định này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá chung đối với một số tài sản đặc thù trong thời gian qua.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về hủy kết quả đấu giá theo hướng quy định rõ chủ thể, căn cứ hủy kết quả đấu giá đảm bảo khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự; quy định rõ hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xác định rõ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm dẫn đến việc hủy kết quả đấu giá.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá đảm bảo thuận lợi, thu hút nhiều người tham gia đấu giábổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá; quy định chặt chẽ hơn việc trả giá, hình thức đấu giá gián tiếp, đấu giá trong trường hợp chỉ có một người, đấu giá theo thủ tục rút gọn.

Thứ ba, về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động đấu giá tài sản

Để tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong quá trình tổ chức đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định như:

Quang cảnh phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá mà Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa quy định, chẳng hạn như quyền quyết định áp dụng bước giá tại các vòng đấu giá, lựa chọn Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến; chịu trách nhiệm về việc xác định giá khởi điểm, mức giảm giá của tài sản đấu giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá; bảo mật tài liệu, thông tin liên quan đến người tham gia đấu giá.

- Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương trong việc quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia; quy định chế độ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với đấu giá viên.

Ngoài ra , dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với trường hợp người có tài sản đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản đã ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người được miễn đào tạo nghề đấu giá và việc đấu giá thí điểm biển số xe ô tô theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Hiện nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và đối tượng tác động của dự án Luật

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc