Ban Kinh tế - Ngân sách: Họp thẩm tra các báo cáo, Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh trình kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI
EmailPrintAa
18:08 09/07/2015

Chiều ngày 08/7/2015, Ban Kinh tế & Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tổ chức họp để thẩm tra các Báo cáo Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI và dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Ban. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các thành viên Ban KT&NS, Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban Kinh tế & Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Theo Thông báo số 60/TB-HĐND ngày 03 tháng 6 năm 2015 của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh được giao chủ trì thẩm tra 14 nội dung, phối hợp với các ban của Hội đồng thẩm tra 2 nội dung. Để chuẩn bị cho cuộc họp thẩm tra, trong thời gian qua, Ban KTNS HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp cùng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các sở, ngành ngay từ khâu chuẩn bị nội dung; tổ chức các cuộc làm việc để nghe và cho ý kiến từng nội dung; thu thập tài liệu, nghiên cứu, dự thảo nội dung các báo cáo thẩm tra. Tổ chức họp thẩm tra đảm bảo công khai dân chủ, đúng qui trình thủ tục, đúng qui chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo qui định.

Về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, công tác đầu tư phát triển, dự toán thu chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Các thành viên Ban đều thống nhất cao với Báo cáo của UBND tỉnh: trong điều kiện khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh ta vẫn tiếp tục tăng trưởng và phát triển; nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, vượt cao so với cùng kỳ năm 2014; các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt được nhiều kết quả tích cực; thu, chi ngân sách đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ban KTNS cho rằng, ngoài 13 nội dung tồn tại, hạn chế và nguyên nhân theo Báo cáo của UBND tỉnh, cần làm rõ và nhấn mạnh thêm một số nội dung cụ thể như sau:


Đồng chí Đỗ Khoa Văn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và...

Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Cần chỉ rõ vì sao việc thực hiện chính sách cơ giới hóa nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực và trình độ của lực lượng sản xuất, giải phóng sức lao động trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên đất đai, nâng cao mức thu nhập, hạn chế lao động di cư, từng bước cải tạo, đổi mới quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chưa được đẩy mạnh. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hiện tượng nông dân bỏ ruộng, bỏ vụ sản xuất kém hiệu quả đã và đang có xu hướng gia tăng.

Về lĩnh vực công nghiệp, thương mại: Lý giải nguyên nhân việc quản lý công nghiệp khai thác, chế biến, tiêu thụ tài nguyên, khoáng sản còn nhiều khó khăn; kế hoạch, sản lượng khai thác (công suất khai thác theo cấp phép) hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước chưa gắn với kế hoạch khai thác chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp và dự toán thu ngân sách của cơ quan quản lý thuế. Kết quả khai thác của doanh nghiệp đạt thấp so với trữ lượng, sản lượng khai thác theo kế hoạch được cấp phép. Năng lực của nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chưa đáp ứng yêu cầu; cấp phép đối với một số mỏ với thời hạn quá ngắn nên chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện chính sách cho phát triển cụm công nghiệp, thương mại nông thôn, xã hội hóa đầu tư và chuyển đổi mô hình quản lý chợ kết quả còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm địa phương còn thấp.

Về thực hiện dự toán thu ngân sách: Thu ngân sách sáu tháng đầu năm đạt tiến độ dự toán HĐND tỉnh giao, nhưng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu loại trừ khoản thu từ phí phát sinh từ năm trước thì thu nội địa chỉ đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, bằng 36% dự toán cả năm HĐND tỉnh giao.


... đồng chí Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục thuế tỉnh phát biểu

Việc triển khai thực hiện xây dựng cơ chế về quản lý ngân sách nhà nước, quản lý vốn đầu tư phát triển cho kỳ ngân sách mới cho thấy sẽ gặp nhiều khó khăn. Năm 2015 là năm cuối của kỳ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, tổng kết, đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020, theo tinh thần các văn bản Luật mới được Quốc hội thông qua, trong lúc các văn bản hướng dẫn triển khai chưa đồng bộ, cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương (Tỉnh, huyện và xã) chưa được xác định. Việc xây dựng báo cáo đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đảm bảo tiến độ trung ương giao, tuy vậy còn một số nội dung cần tiếp tục xem xét như: Chưa xác định rõ giữa nhu cầu đầu tư so với khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước; Chưa xác định được khả năng nguồn vốn đầu tư của mỗi cấp ngân sách, nguồn phân bổ, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương, nguồn vốn của mỗi cấp chính quyền địa phương. …

Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường: Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất chưa đồng bộ; công tác xử lý thu hồi đất vi phạm còn kéo dài; thiếu quan tâm đến vấn đề cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; việc triển khai tính toán và thông báo tiền cấp quyền, đấu giá khai thác khoáng sản chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thu ngân sách. Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban đã đóng góp ý kiến về các báo cáo: báo cáo số 306/BC-UBND ngày 03/7/2015 về tình hình huy động và sử dụng vốn xã hội hóa giai đoạn 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới; báo cáo số 300/BC-UBND ngày 02/7/2015 về tóm tắt các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C trọng điểm xin chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 5 năm 2011-2015; báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015; về quy định sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số loại phí, lệ phí. Các thành viên Ban cũng đã đóng góp ý kiến các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về: Quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; về thông qua Danh mục các công trình, dự án cần thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất trong 6 tháng cuối năm 2015; Tờ trình số 301/BC-UBND ngày 3/7/2015 về việc đề nghị cho chủ trương lập Đề án phát hành Trái phiếu chính quyền địa phương năm 2016.


Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - Trưởng ban KTNS HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc

Đối với Đề án, Tờ trình và dự thảo nghị quyết về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020. Các thành viên Ban cho rằng việc ban hành Nghị quyết về việc thông qua Đề án Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2015-2020 là cần thiết, đúng quy định và thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tờ trình và dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án đã có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, các căn cứ pháp lý liên quan và được thực hiện theo đúng trình tự, quy phạm pháp luật. Đề án cũng nêu rõ sự cần thiết phải phát triển tài sản trí tuệ nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và con người Hà Tĩnh, thông qua công cụ sở hữu trí tuệ để quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm của tỉnh, nâng tầm hình ảnh của Hà Tĩnh trong thời kỳ hội nhập; thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đầu tư, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm chủ yếu, sản phẩm đặc sản và làng nghề của tỉnh. Đề án đã làm rõ được quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, làm rõ các kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại hạn chế và các khó khăn vướng mắc trong thực hiện hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của thành viên Ban trong việc thẩm tra các báo cáo, Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết; cách đặt vấn đề của Ban trong báo cáo thẩm tra là thẳng thắn, đi vào nội dung trọng tâm. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y lưu ý các thành viên Ban cần tiếp tục nỗ lực cố gắng, tập trung nghiên cứu, phát huy trí tuệ để đóng góp và hoàn thiện các báo cáo thẩm tra của Ban trình kỳ họp. Báo cáo của Ban cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của thành viên ban tại cuộc họp; báo cáo thẩm tra cần ngắn gọn, súc tích, chất lượng và thuyết phục được các đại biểu HĐND. Đặc biệt báo cáo thẩm tra của Ban cần chỉ rõ được nguyên nhân vì sao đồng ý, chưa đồng ý với các nội dung Báo cáo, Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc