Xây dựng chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo chất lượng và mang tính khả thi cao
EmailPrintAa
07:35 15/06/2018

Chiều ngày 14/6, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh do đồng chí Trần Viết Hậu - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh chủ trì làm việc với Sở Công Thương về tiến độ, nội dung, việc xây dựng nghị quyết về chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Nữ Y - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Tĩnh.
Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu chủ trì cuộc làm việc

 

Trong những năm qua, công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh có bước phát triển khá nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2017 đạt 27,81%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,65% năm 2010 lên 23,61% vào năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao, tổng kim ngạch giai đoạn 2010 - 2017 đạt 1,04 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 21,95%/năm. Các khu, cụm công nghiệp được thành lập và phát huy hiệu quả nhất định. Đến nay, có 3 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, các quy định về chính sách vẫn còn có một số hạn chế nhất định: một số chính sách do nguồn lực hạn chế nên chưa được triển khai hoặc triển khai nhưng chưa đáp ứng nhu cầu; chưa có chính sách để khuyến khích phát triển một số tiềm năng, lợi thế thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh nhà; việc đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, dẫn đến việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đạt kết quả thấp; các khu công nghiệp nằm ngoài khu kinh tế số lượng doanh nghiệp đầu tư chưa nhiều. Đối với cụm công nghiệp, vẫn chủ yếu tập trung đầu tư tại các cụm công nghiệp làng nghề hoặc các cụm công nghiệp có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông; các cụm công nghiệp vùng sâu, vùng xa mức độ thu hút đầu tư vẫn còn khó khăn. Ngoài ra, cùng với yêu cầu của thực tiễn, các chính sách đẩy mạnh phát triển CN - TTCN của tỉnh đã ban hành không còn phù hợp với các văn bản mới ban hành của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương…

Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Đỗ Khoa Văn phát biểu

 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới cần phải nghiên cứu kỹ các chính sách của Trung ương, bổ sung xây dựng các cơ chế chính sách của địa phương phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 18/5/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Vì vậy, việc ban hành một số chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, góp phần đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hộ tỉnh Đảng bộ đã đề ra.

Đề án được xây dựng có 4 phần, gồm: sự cần thiết ban hành chính sách; tình hình thực hiện chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; một số chính sách phát triển công nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; tổ chức thực hiện.

Bí thư thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu
 
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đĩnh Anh

 

Tại cuộc làm việc, thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách và các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình, nhất trí với tính cấp thiết của Đề án. Đồng thời, tập trung thảo luận, trao đổi một số vấn đề như: cần quan tâm, ưu tiên đến môi trường, xử lý nước thải, giải phóng mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp; bổ sung thêm tỷ lệ đơn giá phần trăm đơn giá thuê đất… Qua đó, yêu cầu cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng, địa phương chịu tác động trực tiếp để đảm bảo nghị quyết khi ban hành đảm bảo tính khả thi cao. Ngoài ra, nên có chính sách cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao quản lý các cụm CN đã được nhà nước đầu tư, khuyến khích công nghiệp 4.0 và cần rà soát lại nghị quyết 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của HĐND tỉnh về phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 để xây dựng nghị quyết mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Kết cấu các phần nghị quyết phải đảm bảo khoa học, hợp lý; lựa chọn các chính sách hỗ trợ phù hợp có tầm nhìn để tạo đòn bẩy khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp; tính toán, dự báo khả năng ngân sách tỉnh để quy định mức hỗ trợ cụ thể và sát đúng, có tính khả thi cao, phù hợp với từng thời kỳ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y phát biểu tại cuộc làm việc

 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y đánh giá cao công tác chuẩn bị của sở và khẳng định việc ban hành một số chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Qua đó, đồng chí đề nghị: cần chú trọng cân đối đến nguồn lực thực hiện; rà soát, cập nhập các chính sách để tránh trùng lặp với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành… Đồng thời, yêu cầu các thành viên ban kinh tế - ngân sách quan tâm, tiếp tục đóng góp ý kiến để xây dựng và hoàn thiện đề án đảm bảo tính thuyết phục, chất lượng và mang tính khả thi cao.

Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị Sở Công Thương trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, phối hợp chặt chẽ với các sở ngành có liên quan tiếp tục chỉnh sửa, sớm hoàn thiện nội dung đề án, tờ trình tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 7.

 


    Ý kiến bạn đọc