Nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực Tòa án nhân dân được giải trình cụ thể
EmailPrintAa
08:09 07/01/2020

Chiều 6/01/2020, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã tổ chức phiên họp thứ 41 để nghe giải trình những nội dung thuộc lĩnh vực Tòa án nhân dân (TAND). Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Dương Tất Thắng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và các thành phần có liên quan cùng dự.

Tại phiên họp, lãnh đạo TAND tỉnh đã báo cáo các vấn đề liên quan đến công tác cải cách tư pháp; việc cải, sửa án; việc xử lý trách nhiệm theo quyết định 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án TAND Tối cao; các vướng mắc phát sinh từ các bản án, quyết định của Tòa án…

Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Nguyễn Thị Việt Hà thông qua chương trình phiên họp

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng giải trình các vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành tại phiên họp

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, năm 2019, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; đã tham gia góp ý nhiều dự thảo Luật, Thông tư, Nghị định; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, đăng tải 2.162 bản án, quyết định có hiệu lực trên Trang thông tin điện tử của Tòa án. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và điều kiện, phương tiện làm việc của các Tòa án nhân dân hai cấp...

Thành viên ban Pháp chế HĐND tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái: Nguyên nhân một số vụ án sau xét xử dư luận chưa đồng tình

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp và chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án, nhất là xét xử các vụ án hình sự và tranh chấp dân sự

Trong năm 2019, TAND tỉnh đã cải, sửa 110 vụ án do Tòa án cấp huyện xét xử sơ thẩm (98 vụ hình sự, 07 vụ dân sự, 05 vụ hôn nhân gia đình). Trong đó, 97 vụ cải sửa do nguyên nhân khách quan, chiếm tỷ lệ 88,2% số vụ cải sửa; 13 vụ cải sửa do lỗi chủ quan của cấp sơ thẩm, chiếm tỷ lệ 11,8%. Hầu hết các vụ cải, sửa án đều do Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy có tình tiết mới hoặc các tình tiết chưa được cấp sơ thẩm xem xét; bên cạnh đó, một số vụ án bị cải, sửa một phần do Thẩm phán cấp sơ thẩm chưa làm hết trách nhiệm trong công tác nghiên cứu hồ sơ, một phần do quan điểm, nhận thức pháp luật của từng Thẩm phán. Một số vụ án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa đúng, do sai sót trong quá trình thẩm định, định giá, xem xét tại chỗ, tính sai án phí; trong năm, có 01 thẩm phán bị xử lý trách nhiệm theo Quyết định 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao…

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng: TAND 2 cấp còn để xảy ra tình trạng xét xử sai khung hình phạt; mức hình phạt tuyên phạt đối với bị cáo chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội

Thành viên ban Pháp chế HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Trần Hậu Tám: Đề nghị có giải pháp nâng cao chất lượng và chế độ của Hội thẩm nhân dân

Tại phiên giải trình, các đại biểu tham dự đề nghị TAND 2 cấp giải trình rõ một số vụ án tuyên án nhưng điều kiện thi hành án khó khăn; số lượng các vụ án cải, sửa chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hình sự và việc cải, sửa án thường có lợi cho bị cáo; nguyên nhân việc cải, sửa một số vụ án chưa đồng quan điểm với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; trách nhiệm Tòa sơ thẩm trong việc cải, sửa án; công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vụ án; chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân và việc thực hiện chính sách, chế độ....

Đồng chí Lê Đình Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận phiên họp

Kết luận phiên giải trình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng một số vấn đề nêu ra tại phiên giải trình đã làm rõ một số vướng mắc tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án TAND tỉnh tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua. Tuy vậy, cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân xung quanh việc các vụ án sau khi cải, sửa án theo hướng giảm nhẹ hình phạt chiếm tỷ lệ rất cao nhưng việc cải sửa án chưa có căn cứ hoặc thiếu căn cứ; chưa đồng quan điểm giữa Viện KSND và TAND trong cải, sửa các vụ án. Thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung vào các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, đặc biệt là công tác xét xử, như: Xây dựng kế hoạch triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, sớm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuyên môn. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, đối thoại trong các vụ án hành chính; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, các khiếu nại tố cáo của công dân. Thành lập tổ thanh tra, giám sát, đánh giá đúng, sát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, thực trạng năng lực của đội ngũ thẩm phán. Đối với việc cải, sửa án, đề nghị Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp với Viện KSND tỉnh lựa chọn một số vụ án để nghe Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo cụ thể quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử, nhằm làm rõ hơn những nội dung mà đại biểu tham dự phiên giải trình quan tâm.

Lưu Thành - Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc