Để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nặng nề trong đó nhiệm vụ nâng cao ý thức pháp luật cho mọi công dân cần được đặt lên hàng đầu và quan tâm đúng mức. Bởi suy cho cùng thì giá trị đích thực của Nhà nước pháp quyền là ở chổ thực hiện nghiêm minh, đúng đắn pháp luật, thúc đẩy xã hội phát triển trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Và pháp luật chỉ có thể được mọi người thực hiện nghiêm chỉnh khi họ có sự hiểu biết đầy đủ và tin tưởng vào những quy định của pháp luật. Hay nói cách khác là việc thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh, đúng đắn, bền vững chỉ khi mọi công dân (bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức) có ý thức pháp luật cao. Thực tế ở nước ta hiện nay việc thực hiện pháp luật vẫn đang mang nặng tính bắt buộc, “sợ luật” nhiều hơn là tự giác thực hiện. Đây chính là một trở ngại lớn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Để nâng cao hiểu biết và tạo lập niềm tin vào pháp luật (ý thức pháp luật) cho mỗi người và cả cộng đồng đòi hỏi phải kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố đóng vai trò quan trọng là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu biết về mục đích, ý nghĩa, các quy định pháp luật cũng như quá trình thực hiện, sử dụng pháp luật.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động có tính định hướng của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội với mục đích làm sáng tỏ về mặt tư tưởng và nội dung các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo sự hiểu biết về pháp luật một cách đầy đủ, đúng đắn để tăng cường ý thức pháp luật cho các chủ thể pháp luật dưới dạng lòng tin, thói quen, động cơ, hành vi tích cực trong chấp hành pháp luật của cá nhân.
Đại biểu HĐND là những người được một số cử tri nhất định lựa chọn thông qua cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, họ là những người: “Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật;... Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”2. Như vậy đại biểu HĐND là những người “của Nhà nước” gần dân nhất, gắn bó chặt chẽ với dân nhất (nhất là đại biểu HĐND cấp xã), do đó họ sẽ là những người có điều kiện thuận lợi nhất, có vị trí, vai trò quan trọng nhất trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở cơ sở. Về mặt pháp lý, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri; giám sát việc thực hiện pháp luật”3.
Nhưng trong thực tế hoạt động của đại biểu HĐND nói chung, đại biểu HĐND cơ sở nói riêng vị trí, vai trò, trách nhiệm này chưa được phát huy đầy đủ. Nguyên nhân hạn chế này một phần là do quy định của pháp luật chưa rõ ràng, cụ thể, mặt khác là do nhận thức của các đại biểu HĐND, cho rằng đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức chính quyền, đoàn thể chứ không phải nhiệm vụ của cá nhân mình. Bên cạnh đó cũng do những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND cấp cơ sở...
Để phát huy đầy đủ, tốt hơn vị trí, vai trò, đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho mọi công dân ở cơ sở, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cần thực hiện một số vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cử tri thuộc đơn vị bầu cử đại biểu HĐND. Hiện nay trong Luật tổ chức Chính quyền địa phương4 chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm này, chính vì vậy đại biểu HĐND nhận thức rằng đây không phải là trách nhiệm của mình, đồng thời cũng thiếu cơ sở pháp lý cho đại biểu khi thực hiện trách nhiệm này, nhất là trong việc phối hợp với các tổ chức khác trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Thứ hai, các đại biểu HĐND cấp cơ sở cần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật để làm cơ sở cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cử tri. Đại biểu HĐND cần nhận thức một cách đầy đủ về trách nhiệm của mình trước cử tri và trước Nhà nước, họ phải là những người “hướng đạo” về pháp luật cho cử tri, đồng thời là những người đại diện cho Nhà nước, ở cả hai khía cạnh họ đều phải là người am hiểu pháp luật. Là những người trực tiếp làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức (trong đó có nhiều đại biểu HĐND) cấp cơ sở, chúng tôi có điều kiện kiểm tra kiến thức, sự hiểu biết về các quy định pháp luật, nhất là luật tổ chức Chính quyền địa phương, luật Cán bộ, công chức... Nhìn chung đội ngũ này còn hạn chế về kiến thức pháp luật vừa thiếu kỷ năng vận dụng các quy định pháp luật để xử lý các tình huống xẩy ra trong quản lý nhà nước ở địa phương. Chính vì vậy nếu đại biểu HĐND không tự nâng cao kiến thức về pháp luật, niềm tin vào pháp luật; kỹ năng tuyên truyền, tiếp xúc cử tri, phối kết hợp trong hoạt động thì sẽ gặp khó khăn, e ngại, né tránh trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho cử tri. Trong điều kiện khoa học, công nghệ hiện nay việc tự nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức pháp luật của đại biểu sẽ có nhiều thuận lợi, vấn đề còn lại là tùy thuộc vào ý chí, trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri, đối với Nhà nước.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu nâng cao kiến thức về pháp luật và các kỹ năng cần thiết, HĐND cấp cơ sở cần bố trí thời gian hợp lý tổ chức hiệu quả các đợt tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đại biểu HĐND, giúp cho đại biểu rút ngắn được thời gian tự tìm hiểu và hiểu đầy đủ, chính xác hơn các quy định pháp luật. Bên cạnh đó các cơ quan hữu quan cần biên soạn những tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu về pháp luật phát cho đại biểu HĐND để làm tài liệu học tập và tuyên truyền, gắn với phát triển, sử dụng hiệu quả tủ sách phổ biến, giáo dục pháp luật của xã.
Thứ ba, HĐND cấp cơ sở cần quy định và bố trí thời gian nhất định để đại biểu HĐND thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri. Thường trực HĐND cần chỉ đạo các tổ đại biểu HĐND phân công đại biểu chuẩn bị nội dung cụ thể, phù hợp để thay phiên nhau trình bày với cử tri. Bên cạnh đó cần kết hợp tốt việc ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của cử tri với việc trả lời, giải thích bằng các quy định pháp luật của đại biểu để thông qua đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cử tri.
Thứ tư, đại biểu HĐND cần phải phấn đấu trở thành những người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”5. Hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cử tri chỉ đạt được khi cử tri nhìn thấy ở đại biểu là những tấm gương “nói đi đôi với làm”, là những người gương mẫu chấp hành pháp luật, dám đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương. Bởi vì “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”6.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho mọi công dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và phải được tiến hành thường xuyên, lâu dài, hiệu quả, trong đó cần phát huy tích cực hơn nữa vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đại biểu HĐND nói chung, đại biểu HĐND cấp cơ sở nói riêng, phải làm cho mỗi đại biểu HĐND trở thành một tuyên truyền viên về pháp luật tích cực, hiệu quả ở cơ sở, xứng đáng là người đại diện cho Nhà nước và cho cử tri ở cơ sở.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)