Nêu cao trách nhiệm “vì dân” xứng đáng niềm tin của cử tri đối với đại biểu Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
15:38 17/08/2016

Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp đã được quy định trong các văn bản pháp luật, rồi đây các đại biểu, nhất là đại biểu HĐND các cấp cần phải được học tập, quán triệt và thấm nhuần sâu sắc để thực hiện trong suốt nhiệm kỳ HĐND. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một trong những trách nhiệm của đại biểu HĐND các cấp, đó là trách nhiệm “vì dân” của người đại biểu.

Theo quy định của pháp luật: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”... “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm”(1). Như vậy đại biểu HĐND là người của cử tri, do cử tri lựa chọn, đại biểu HĐND trước hết phải là người “tự nguyện” để cử tri lựa chọn, chứ không phải là người “bị” cử tri lựa chọn, đây là điều mà các đại biểu HĐND phải nhận thức sâu sắc để thực hiện tốt nhất trách nhiệm nói chung của người đại biểu, trách nhiệm “vì dân” nói riêng.


Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh  tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 11, khóa XVI tại huyện Lộc Hà

 

Là người “tự nguyện” để cử tri lựa chọn, họ phải dám nói tiếng nói của cử tri, dám bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri... trên thực tế vẫn có khá nhiều vị đại biểu chưa dám “hy sinh” vì cử tri bầu ra mình, chưa thực sự “tự nguyện” trong vai trò người đại diện mà chủ yếu là “hoạt động trên cơ sở trách nhiệm do luật định”, thậm chí một số đại biểu tham gia HĐND chỉ để được làm “chức này, chức nọ” chứ không phải là “vì dân”. Đại biểu dân cử phải hoạt động trên tinh thần “tự nguyện”, vì chỉ có “tự nguyện” thì mới “vì dân” được, nhất là trong cơ chế đại biểu kiêm nhiệm như ở nước ta hiện nay. Chỉ có “tự nguyện” thì đại biểu mới giành được thời gian nhiều nhất cho Nhân dân, mới gần gũi, sâu sát với Nhân dân, mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của cử tri, mới tìm mọi cách để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân và có nhiều cách để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cử tri.

 

Để đại biểu HĐND thực sự “tự nguyện” để cử tri lựa chọn thay mình thực thi quyền lực nhà nước, thực sự “vì dân”, chúng tôi đề nghị:

Một, phải để cử tri đánh giá, xếp loại cho đại biểu HĐND vào cuối năm hoạt động. Theo quy định thì: “Mỗi năm một lần vào cuối năm, kết hợp với việc tiếp xúc cử tri, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra mình về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của Hội đồng nhân dân”. Theo chúng tôi, tại cuộc tiếp xúc cử tri cuối năm này, cần có thêm một nội dung là cử tri thực hiện bỏ phiếu xếp loại cho đại biểu và công bố công khai kết quả xếp loại cho cử tri biết, đây là “chỉ số hài lòng” của cử tri đối với đại biểu, đại biểu căn cứ vào kết quả này để điều chỉnh bản thân trong quá trình hoạt động, nếu hai năm liên tục mà đại biểu bị xếp loại thấp thì cần xem xét tư cách đại biểu.

 

Hai, đối với đại biểu HĐND cần tự giác, tự nguyện rèn luyện bản thân về mọi mặt, nhất là bản lĩnh và trách nhiệm của người đại biểu dân cử. Bởi vì đã “tự nguyện” dấn thân vào con đường “người của cử tri” thì mọi suy nghĩ, hành động đều phải “vì dân”, đều phải “hy sinh” vì cử tri. Để trở thành người thực sự “vì dân”, mỗi đại biểu HĐND cần học tập, làm theo một cách thiết thực, cụ thể tấm gương đạo đức, tư tưởng, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng “vì dân” của Người. Đại biểu HĐND phải nhận thức sâu sắc và hành động như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2).  Đại biểu HĐND là “người của dân” thì phải thành tâm học hỏi quần chúng, kiên trì trong việc giáo dục, giác ngộ, lãnh đạo quần chúng như Bác Hồ dạy: “Muốn cho dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ dân chúng, mà cũng vừa nâng cao kinh nghiệm của mình. Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh cụ thể của địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành”(3). Đại biểu HĐND phải là người “định hướng” cho cử tri trong việc tham gia quản lý nhà nước, xã hội, góp ý cho các chính sách, pháp luật của nhà nước, bởi vì cử tri không có đủ thời gian, kiến thức, thông tin để tham gia, bàn bạc và quyết định chính xác về một vấn đề nào đó khi được hỏi ý kiến, cho nên cần sự “định hướng” của đại biểu, vì vậy đại biểu phải tự nâng cao trình độ về mọi mặt, phải là người “hiểu biết” hơn cử tri mới “định hướng” đúng đắn và phù hợp ý chí, nguyện vọng của cử tri và quy định của pháp luật.

 

Ba, đối với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về quyền và nghĩa vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Phải kiên trì thông qua nhiều hình thức thiết thực làm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy được việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân nói chung, qua đó để giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử trong suốt nhiệm kỳ của mình, đó cũng không chỉ là “QUYỀN” mà quan trọng hơn đó là “NGHĨA VỤ” của họ. Trong thực tế cử tri luôn đòi hỏi phải có một nhà nước “tốt” từ phía bản thân nhà nước, chứ chưa thấy để có một nhà nước “tốt” là do cử tri “tạo nên”, vì vậy chưa tích cực, chưa thực sự “dấn thân” để tạo ra nhà nước như họ mong muốn. Điều đó được thể hiện khá rõ trong tinh thần, ý thức, trách nhiệm của một số cử tri tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp những nhiệm kỳ vừa qua, trong việc tham gia góp ý vào các quyết sách của nhà nước, vào việc giám sát đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

 

Là những cử tri, chúng tôi mong muốn các đại biểu dân cử nói chung, đại biểu HĐND các cấp nói riêng trong nhiệm kỳ mới này hãy thực hiện đầy đủ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”(4).

 

(1) Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

(2) Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945;

 (3) Hồ Chí Minh toàn tập “Sửa đổi lối làm việc”, Nxb CTQG, H, 1995, tr267;

(4) Lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử 5-01-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia.


    Ý kiến bạn đọc