Ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh
EmailPrintAa
23:15 23/09/2021

Sáng 23/9/2021, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Trần Văn Kỳ dẫn đầu Đoàn tiến hành khảo sát thực tế một số dự án thành phần và tổ chức làm việc với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Tĩnh về đề xuất dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh vay vốn WB.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có dại diện lãnh đạo: các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh và UBND thành phố.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo UBND thành phố cho biết: Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, trung tâm liên kết phát triển vùng, địa phương; tuy nhiên hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức tác động đến sự phát triển như diện tích đô thị hạn chế với 56,32km 2 , dân số khoảng 205 ngàn người, tỷ lệ đô thị hóa dự báo tăng từ 72% năm 2013 lên mức 80% năm 2030 và khoảng 90% năm 2050; ngưỡng phát triển dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 30 vạn người, dân số đô thị khoảng 27 vạn người.

Để thành phố Hà Tĩnh có điều kiện phát triển đột phá, tương xứng với vai trò đô thị trung tâm của tỉnh, giải quyết các hạn chế hiện nay; cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2021-2025; đến năm 2030 thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong 03 đô thị tăng trưởng xanh tại khu vực Bắc Trung bộ thì việc ưu tiên các nguồn lực thực hiện dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh” vốn vay WB là hết sức cần thiết.

Trưởng ban KTNS HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu tại cuộc làm việc.

Theo đó, mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận bằng các giải pháp giảm thiểu ngập lụt, phát triển giao thông liên kết vùng và các hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống người dân, phát triển đô thị bền vững, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Dự án có 4 hợp phần chính, gồm: Xây dựng hệ thống kênh và cống thoát nước hoàn chỉnh cho thành phố Hà Tĩnh; mở rộng khả năng dự trữ và tiêu thoát nước cho thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận; phát triển hệ thống đường giao thông kết nối khu vực và thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý khả năng thích ứng và hỗ trợ thực hiện dự án. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là gần 3.251,5 tỷ triệu đồng; trong đó vốn ODA của WB là 2.320,4 tỷ đồng (chiếm 71,4%); vốn đối ứng là trên 930,9 tỷ đồng (chiếm 28,6%).

Qua khảo sát thực tế và làm việc, các đại biểu tham dự cơ bản đồng tình với việc đề xuất, lựa chọn các hạng mục để đầu tư dự án; đồng thời khẳng định sự cần thiết của dự án nhằm xây dựng thành phố Hà Tĩnh trở thành một trong những đô thị động lực tăng trưởng của toàn tỉnh, khu vực, phát triển toàn diện về mọi mặt, nâng cao mức sống của người dân, góp phần làm tăng GDP và tổng thu ngân sách của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị cơ quan chủ quản dự án và chủ đầu tư tiếp tục rà soát kỹ các nội dung dự án đảm bảo phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển theo các quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất…; cần khái toán kinh phí cụ thể, chi tiết nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp;  tham mưu, đề xuất đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. Sau khi được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, cần chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai thực hiện các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định.

Khảo sát dự án Tuyến kênh tiêu thoát nước từ đường Ngô Quyền đến cống K11 đê Đồng Môn.

Trước đó, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại các dự án: Hồ điều hòa Đập Bợt, Trạm bơm Đập Bợt (phường Thạch Quý); Tuyến kênh nối lưu vực Cầu Nủi đến Hồ điều hòa Hà Huy Tập; Cửa điều tiết tại Cầu Nủi; Đường Ngô Quyền kéo dài kết nối đường Vũ Quang; Hồ điều hòa Đập Hầu; Cống Bara ngăn sông Cày; Tuyến kênh tiêu thoát nước từ đường Ngô Quyền đến cống K11 trên đê Đồng Môn…

Lê Trang

    Ý kiến bạn đọc