Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:32 09/08/2021

Câu hỏi 1: Đề nghị tỉnh nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát, tăng cường công tác giám sát trên tất cả các lĩnh vực nhất là lĩnh vực đầu tư công, cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trả lời:

1.1. Đối với lĩnh vực đầu tư công

Công tác theo dõi, giám sát, đánh giá đầu tư công thời gian qua đã được UBND tỉnh hết sức quan tâm; quán triệt thực hiện sâu, rộng từ cấp tỉnh đến cơ sở; các bộ phận thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng thường xuyên thực hiện công tác giám sát, đánh giá ở cơ sở; kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm về chất lượng, tiến độ thi công công trình và có giải pháp xử lý, chấn chỉnh phù hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công tổ chức lập Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo định kỳ gửi các Bộ, ngành Trung ương, đảm bảo chất lượng các nội dung theo yêu cầu; trong đó, việc xây dựng kế hoạch giám sát được đề xuất theo từng địa bàn, dự án cụ thể; hoặc, gắn với nội dung giám sát đánh giá đầu tư với các cuộc thanh tra. Tuy vậy, trong tình hình hiện nay đại dịch Covid-19 với diễn biến hết sức phức tạp, nên việc giám sát thực tế ở các địa phương, đơn vị theo kế hoạch gặp những khó khăn nhất định.

Bên cạnh việc chỉ đạo, tăng cường giám sát, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư công cũng như xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật [1] .

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác giám sát trên lĩnh vực đầu tư công; đặc biệt là việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác giám sát cộng đồng.

5.2. Đối với lĩnh vưc Cải cách hành chính

Trong thời gian qua, công tác Cải cách hành chính được Lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo công khai, minh bạch, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch Cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm, đồng thời các ngành, lĩnh vực Cải cách hành chính cũng ban hành kế hoạch theo ngành lĩnh vực mình theo dõi nhằm thực triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, có trọng tâm; quan tâm, chú trọng công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về Cải cách hành chính theo Kế hoạch. Kết quả, trong giai đoạn 2016-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh đã tổ chức 21 đợt giám sát, thanh tra, kiểm tra về CCHC và các nội dung chuyên đề với tổng số lượt đơn vị được kiểm tra, giám sát là 493 (bao gồm cả các đơn vị sở, ngành, cấp ủy, chính quyền cấp huyện và UBND cấp xã).

Nhằm nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, UBND tỉnh ban hành các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Quy chế văn hóa công vụ, công sở trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 52/2017/QĐ-UBND ngày 22/11/2017; Quyết định số 20/2019/QĐ-UBND ngày 19/4/2020), thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực hiện văn hóa công vụ. Ngoài ra, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện ban hành các quy định trong giải quyết Thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng giải quyết Thủ tục hành chính, đồng thời hàng năm triển khai đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua phiếu điều tra xã hội học được thiết lập theo bộ câu hỏi tập trung vào lấy ý kiến về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thái độ, tinh thần của đội ngũ công chức trực tiếp tham mưu giải quyết Thủ tục hành chính.

Mặt khác, HĐND, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chính sách, văn bản triển khai chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của tỉnh [2] .

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác Cải cách hành chính, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để quản lý chặt chẽ, có hiệu quả hơn về đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, để từ đó có sự chuyển động mạnh mẽ từ bên trong các đơn vị, các ngành, các cấp. Tăng cường thanh tra công vụ, thanh tra theo ngành, kiểm tra Cải cách hành chính theo chuyên đề từng lĩnh vực; đồng thời đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UB MTTQ tỉnh tiếp tục có các cuộc giám sát chuyên đề về CCHC nhằm triển khai có hiệu quả công tác Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra và các chương trình, kế hoạch của tỉnh đã ban hành


[1] Theo Chương trình hành động số 70/CTr-UBND ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2021.

[2] Thu hút được 2 Bác sĩ chuyên khoa I và 78 Bác sĩ có trình độ đại học tốt nghiệp loại khá, giỏi về làm việc tại các cơ sở y tế với kinh phí hỗ trợ 2.730 triệu đồng; cử đi đào tạo tiến sĩ: 02 người; Bác sĩ chuyên khoa II: 07 người; Thạc sĩ – Bác sĩ và Bác sĩ CK I: 87 người; Bác sĩ tại các Trạm y tế xã: 10 người (theo Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh); thu hút 23 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào làm việc tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP). Ngoài ra, các đơn vị, địa phương đã cử 250 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đi đào tạo sau đại học và 471 cán bộ, công chức cấp xã thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo đại học; Đẩy mạnh đào tạo và duy trì nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế, có trình độ, có kinh nghiệm và đảm bảo tính kế thừa. Công tác bồi dưỡng CBCCVC được chú trọng (lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng và chuyên môn nghiệp vụ...)

BBT

    Ý kiến bạn đọc